Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý giá cả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ trong một thời gian ngắn, các mặt hàng thiết yếu điện, nước, xăng, gas… liên tiếp tăng giá, khiến thị trường đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Giá hàng hoá, thực phẩm, cước vận tải tăng… và người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất lại thêm nặng gánh.

Hàng hóa “nhảy” theo xăng

Sau một tuần khi giá xăng, dầu tăng (từ ngày 13/8), giá các loại rau củ, thịt cá… tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng đã tăng mạnh. Lý do chung được các tiểu thương Hà Nội đưa ra là chi phí vận chuyển đội lên nên các thương lái (những người chở hàng phân phối cho chợ) đòi tăng giá.

Tại các siêu thị lớn như Fivimark, Big C, Intimex... mặc dù các mặt hàng thiết yếu hiện nay chưa biến động nhưng theo đại diện siêu thị Unimart: "Nhiều nhà sản xuất đã gửi thông báo tăng giá đến siêu thị. Do từ đầu năm đến nay, họ đã chia khó hết mức có thể, các mặt hàng đầu vào thiết yếu đồng loạt tăng giá hiện nay như giọt nước tràn ly, vượt ngoài sức chịu đựng. Trong khi sức mua vẫn quá thấp dù siêu thị đã nỗ lực kích cầu bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu".

Trong khi đó, nhiều hãng taxi như Mai Linh và Vinasun đã điều chỉnh tăng giá cước taxi 800 - 1.000 đồng/km (tùy từng loại xe, khu vực). Một số hãng vận tải hàng hóa khác cũng đang tính phương án tăng từ 5 - 7%.

Nghịch lý giá cả - Ảnh 1

Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm hàng giao thông vận tải. Ảnh: Linh Anh

Kích lạm phát hay ép giảm phát?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm hàng giao thông vận tải, từ đây sẽ ảnh hưởng đến các nhóm hàng thiết yếu khác, nhưng mức độ tác động là không lớn.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhận định: "Tăng giá nhiên liệu đầu vào không minh bạch thời gian qua như một "cú đấm" vào các DN, làm sức mua vốn đã thấp nay còn suy giảm mạnh hơn". Thời gian qua, dù giá siêu thị ổn định, khuyến mại nhiều nhưng sức mua của người dân cũng không tăng. Các DN cần phải giữ giá cả ổn định, đặc biệt tránh tăng giá ăn theo, chia sẻ với người tiêu dùng. Song, ông Phú cũng cho rằng, hành động này cũng chỉ như muối bỏ bể nếu Chính phủ không có những biện pháp quyết liệt hơn. Khi độ trễ của đợt tăng giá xăng này hết, chi phí đầu vào các mặt hàng tăng, nhà cung cấp tăng giá để bù đắp chi phí.

Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước mắt, việc tăng giá xăng dầu sẽ chưa có tác động ngay đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đặc biệt trong bối cảnh hai tháng qua CPI tăng âm. Tuy nhiên, ông Ánh nhấn mạnh: "Chắc chắn CPI tháng 8 không tăng mạnh, mà phải đến những tháng tiếp theo mới bị tác động nhiều".

Trong khi đó, theo TS Võ Trí Thành, mục tiêu lạm phát cả năm vẫn đạt được như dự kiến. Lý do, từ nay đến cuối năm, đà tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và tín dụng của nền kinh tế cũng không tăng trưởng nhiều nên CPI khó có khả năng chạm mức hai con số. Giá tăng nhưng mặt bằng thu nhập tăng không kịp theo giá.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), CPI trong tháng 8 nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 0,2% - 0,4%. Song tính theo cả năm, BVSC hạ dự báo lạm phát 2012 về 5 - 6% thay cho mức 5,5 - 6,5% trong báo cáo 6 tháng.