Nghịch lý tay nghề cao, năng suất lao động thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ X diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất toàn đoàn một cách tuyệt đối với 15 HCV, 7 HCB, 6 HCĐ, cách biệt nước đứng thứ 2 là Malaysia tới 6 HCV.

Mừng với thành tích mùa thứ 3 giành ngôi "quán quân" tại kỳ thi tay nghề ASEAN, nhưng không ít người tỏ ra băn khoăn, lo ngại bởi nghịch lý là tay nghề cao, nhưng năng suất lao động bị xếp hạng thấp nhất khu vực. 

Vừa mừng vừa lo

Năm nay, lần đầu tiên kỳ thi tay nghề ASEAN có đủ đại diện của 10 nước thành viên tham gia, thu hút gần 300 thí sinh dự thi ở 25 nghề. Là năm thứ 3 Việt Nam liên tiếp giành giải cao tại kỳ thi cấp khu vực này, và sau 7 lần tham dự, Việt Nam luôn đứng vững trong top 4 quốc gia đầu bảng tại kỳ thi tay nghề ASEAN.
Theo đánh giá của Hội đồng Ban giám khảo, các thí sinh của đoàn Việt Nam sáng tạo và có kỹ năng nghề cao. Bên cạnh đó, chúng ta đã hình thành được đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi, dày dạn kinh nghiệm.

 
Thí sinh thi nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng.     Ảnh: Anh Tuấn
Thí sinh thi nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng. Ảnh: Anh Tuấn
Mừng với kết quả đạt được, nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ sự lo ngại, bởi một nghịch lý đang diễn ra là chất lượng về nghề cũng như năng suất lao động của Việt Nam thua kém rất nhiều nước.

Thực tế, dù luôn vượt trên các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề trong khu vực, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần, và bằng 2/5 năng suất lao động của người Thái Lan.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải: Cần đưa mục tiêu tăng năng suất lao động vào Luật

Vì sao thi tay nghề ASEAN thì Việt Nam đạt giải cao, vượt Singapore, Thái Lan... nhưng theo đánh giá của Tổ chức lao động thế giới (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia đó? Theo tôi, nguyên nhân là do đào tạo nghề hiện nay chưa hợp lý, chưa phát huy được tiềm năng của lao động Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng suất lao động là rất bức thiết, vì vậy tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đưa vào mục tiêu tăng năng suất lao động vào Luật Dạy nghề sửa đổi.
Thế nên, thông qua kỳ thi lần này, người ta không đặt nhiều kỳ vọng rằng, kỹ năng nghề của người lao động sẽ được cải thiện đồng bộ hay năng suất lao động sẽ tăng lên. Như Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi phân tích: "Việc nâng cao năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và do nhiều nhóm đối tượng lao động quyết định. Hiện cơ cấu lao động của Việt Nam lại phần lớn là lao động nông nghiệp nên rất khó có thể nói thông qua kỳ thi này thì năng suất lao động sẽ được cải thiện. Nhưng, phải khẳng định, kỳ thi tay nghề ASEAN là một hoạt động lớn góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam về dạy nghề; tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam giao lưu, gặp gỡ với các thí sinh của các nước trong khu vực, nhằm khuyến khích, thu hút học nghề".

Chưa gắn nhu cầu với đào tạo

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tay nghề cao, năng suất lao động thấp được giới chuyên môn "mổ xẻ" là do hiện tượng chảy máu chất xám. Những thí sinh đạt giải cao tại các kỳ thi tay nghề ASEAN nói riêng, đội ngũ trí thức, lao động có tay nghề giỏi thường tìm kiếm cơ hội việc làm cho các công ty nước ngoài hoặc "đi Tây" để được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức lương cao.

Mặt khác, do mục tiêu giáo dục nghề nghiệp hiện nay đặt ra chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề lao động chưa hợp lý, dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo một cuộc khảo sát nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch mới đây, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ.

Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của DN vào quá trình đào tạo. Hay theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit, mặc dù hơn 90% dân số Việt Nam biết chữ nhưng hệ thống trường học và chương trình giảng dạy của Việt Nam lại lạc hậu. Việt Nam thiếu kỹ năng trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin, ngân hàng và tài chính, các sản phẩm khoa học nghèo nàn, kể cả sáng chế và công bố khoa học trong các ấn phẩm chuyên ngành. 

Trước vấn đề này, TS Phạm Quý Hiệp - Hội Khoa học Đông Nam Á đưa ra giải pháp, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ở các bậc cao nhằm thu hút nhiều hơn sinh viên tham gia vào các chương trình mang tính chất khoa học. Còn GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam bày tỏ: "Với bất kỳ ngành, nghề nào, dù là người lao động hay DN đều đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, tâm lý ăn sẵn, lười biếng sẽ khiến người lao động và DN luôn ở tâm thế chờ mọi việc tự đến. Vì thế, muốn bước vào cuộc đua thực sự, mỗi người, mỗi DN phải chấn chỉnh ngay tâm lý này".

 
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi: Đề xuất đặc cách cho thí sinh đạt giải cao

Để nâng cao năng suất lao động cho người Việt Nam, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và sự chung tay của nhiều cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là nhận thức của mỗi người lao động. 

Riêng về vấn đề lấp "lỗ hổng" chảy máu chất xám hiện nay, tới đây, ngoài phần thưởng về tiền, Bộ LĐTB&XH sẽ kiến nghị tại Luật Giáo dục nghề nghiệp đối với những thí sinh đạt giải cao trong kỳ thi tay nghề sẽ được giữ lại trường làm giảng viên dạy nghề (nếu có nhu cầu) và được đặc cách học đại học. Cùng với đó, Bộ sẽ là đầu mối để liên kết DN giúp các thí sinh này tìm được việc làm ở môi trường có thu nhập cao. 

Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính: Khắc phục tính thụ động, lười biếng

Nếu như các nước tiên tiến họ luôn hướng tới nền sản xuất hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ khoa học trong sản xuất thì Việt Nam lại chú trọng vào sản xuất gia công, xuất thô, kỹ thuật công nghệ lạc hậu, nên phần giá trị gia tăng chủ yếu dành cho DN nước ngoài. Yếu tố khác khiến năng suất lao động thấp là do tính kỷ luật tại một số DN, cơ quan bị buông lỏng, không quản lý chặt chẽ người lao động về mặt thời gian, khối lượng công việc phải làm; nhiệm vụ lại không gắn liền với lợi ích kinh tế dẫn đến tâm thế ỷ lại... 

Và tính thụ động, lười biếng của người Việt cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN Việt Nam bỏ lỡ những cơ hội hợp tác kinh doanh hoặc kiếm tiền tỷ như sản xuất cây giống, hay sản xuất linh kiện cho Samsung… 

Vì vậy, Việt Nam cần phải đầu tư vào khoa học, công nghệ. Phải đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời, phải củng cố nguồn nhân lực, tăng cường thể chất, kỹ năng và trình độ người lao động... mới có thể cải thiện được năng suất lao động hiện nay.