Nói “lãng phí” là bởi nhập khẩu cả những mặt hàng nước ta có thế mạnh như ngô, đậu tương…
Nhập thức ăn chăn nuôi vượt xuất khẩu gạo
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina , Mỹ và Trung Quốc, (chiếm thị phần lần lượt: 45,3%, 11% và 9,3%). Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng năm 2016 đạt 20,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,51 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng chi phí cho nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu đã bằng khoảng 10% giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản và cao hơn rất nhiều giá trị xuất khẩu gạo.
Tiếp tục làm một phép so sánh khác, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 30,45 tỷ USD thì nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu cũng lên tới con số 3,36 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm trước. Trong đó, riêng nhập khẩu ngô là 1,6 tỷ USD và đậu tương là gần
800 triệu USD. Rõ ràng, với thế mạnh về nông nghiệp và là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam đang phải đánh đổi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu TĂCN. Đây là câu chuyện không mới, song vẫn rất đáng để ngành nông nghiệp nhìn lại những bất cập cố hữu của ngành. Cần phải nói thêm, nếu như việc nhập các vitamin, khoáng chất để sản xuất TĂCN là bắt buộc vì nước ta chưa sản xuất được, thì việc nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương lại trở thành một nghịch lý với một nước nông nghiệp như Việt Nam .
Khối lượng đậu tương nhập khẩu 8 tháng năm 2016 đạt 943.000 tấn với giá trị 391 triệu USD; khối lượng ngô nhập khẩu trong 8 tháng đạt 4,2 triệu tấn với giá trị 822 triệu USD. |
Chưa hết, trong khi đang phải nhập 6 – 7 triệu tấn ngô mỗi năm thì vẫn có tình trạng ngô hạt ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lào Cai… lại xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Điều này cho thấy bài toán điều phối cung - cầu hiện vẫn đang chệch choạc. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm (-0,18%). Do đó, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khơi thông thị trường xuất khẩu nhằm tìm lại nhịp tăng trưởng. Thế nhưng, dù mỗi lĩnh vực cố gắng chắt chiu từng chút, thì chúng ta đang để vuột mất một cách lãng phí nguồn ngoại tệ chi cho nhập khẩu ngô, đậu tương.
Bao giờ hết phụ thuộc?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã lạc quan đánh giá, khả năng sản xuất TĂCN trong nước năm nay đạt khoảng 16 triệu tấn, cung cấp một lượng dồi dào thức ăn cho chăn nuôi trong nước. Đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, sản xuất TĂCN năm nay tăng trưởng tốt, đạt trên 8% và chất lượng sản phẩm cũng được kiểm soát tích cực. Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu TĂCN sang một số thị trường như Lào, Campuchia , Indonesia , Mông Cổ , Myanmar … với số lượng khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, trái với dự báo lạc quan trên, đại diện Hiệp hội TĂCN Việt Nam lại nhận định, tình hình nhập khẩu nguyên liệu TĂCN trong tháng 8 giảm là do nhiều tàu chở ngô, đậu tương từ Nam Mỹ như Brazil, Argentina về bị “delay” tại cảng. Do đó, khi các tàu này được thông quan vào Việt Nam thì con số nhập khẩu sẽ nhảy vọt lên.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, tình hình giá ngô thế giới xuống thấp đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất ngô trong nước. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá thành sản xuất ngô của Việt Nam cao hơn một số nước như Mỹ, Argentina, Brazil do những nước này sản xuất theo hướng tập trung áp dụng cơ giới hóa, công nghiệp hóa. Thêm vào đó, chất lượng ngô trong nước cũng không đồng nhất do bộ giống và điều kiện chăm sóc còn hạn chế. Một khảo sát của Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng cho thấy, giá ngô thế giới giảm sâu đúng vào vụ thu hoạch ngô ở miền Nam làm cho bà con càng điêu đứng. Thậm chí, ở một nơi như Đồng Nai, nông dân còn phá bỏ ngô để trồng cây khác.
Ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam chia sẻ, sản xuất TĂCN Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ông Bình cho rằng, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện nay còn quá kém khi để xảy ra tình trạng bất cập “thừa gạo, thiếu ngô”. Với cách quy hoạch như hiện nay, dự báo nhiều năm tới, chăn nuôi trong nước vẫn không thoát khỏi việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu. “Chúng ta cứ tự hào là xuất khẩu gạo lớn nhưng lại chi tiền nhập khẩu ngô, trong khi dự án chuyển đổi 200.000ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô tại Đồng bằng sông Cửu Long triển khai từ mấy năm nay vẫn chưa có chuyển biến gì” – ông Bình bày tỏ.