KTĐT - Lợi dụng các kẽ hở của luật pháp, vài năm trở lại đây, một số đối tượng mang quốc tịch nước ngoài đã nhập cảnh dưới hình thức du lịch, thậm chí nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.
Câu kết phạm tội
Thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện và triệt phá hàng trăm vụ án liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó nổi lên các loại tội phạm như trộm cắp tài sản, tổ chức đánh bạc, giết người, tổ chức mại dâm, vận chuyển ma túy… Các đối tượng phạm tội phần lớn là người gốc Phi, Ả rập, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Đáng chú ý là loại tội phạm mới sử dụng công nghệ cao như trộm cước viễn thông quốc tế, dùng thẻ tín dụng giả xâm nhập mã tài khoản ngân hàng trong và ngoài nước để trộm cắp tiền.
Điển hình ngày 18-6-2009, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Công an phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kiểm tra khách sạn Golden Time (tại số 6C, Đường Thành, Hà Nội) đã bắt quả tang Nguyễn Thị Hạnh (SN 1955, ở chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, TP.HCM) đang tàng trữ heroin, có tổng trọng lượng hơn 871 gam. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã xác định đây là vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Đường dây này do Chime Chidike Ben (SN 1976) cùng 2 đối tượng khác là Okey và Chika (hiện chưa xác định được địa chỉ, nhân thân) đều mang quốc tịch Nigeria cầm đầu. Ít ngày sau, CQĐT đã xác minh làm rõ, Chime Chidike Ben và Tersita Guiyab Nepomuceno (SN 1967, quốc tịch
Philippines) cùng Lương Thị Kim Dung (SN 1973, ở phố Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM), Nguyễn Thị Mai Trinh (SN 1968, trú tại phường 9, quận 3, TP.HCM) và Nguyễn Thị Hạnh nhiều lần vận chuyển ma túy với tổng trọng lượng trên 1.021 gam heroin.
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt mức án chung thân đối với bị cáo Chime Chidike Ben, 4 bị cáo còn lại cũng phải nhận mức án nghiêm khắc từ 15 năm đến 20 năm tù giam về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” - theo quy định tại Điều 194 - BLHS.
“Gà” nhà cũng không tha!
Xoay quanh vụ án liên quan đến Đào Thị Hòa (SN 1982, trú tại Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) mới thấy xót xa khi bị cáo này khai nhận những tội lỗi của mình trước vành móng ngựa.
Năm 2004, Hòa đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Hết thời hạn hai năm về nước, với vốn tiếng Trung kha khá, Hòa xin làm phiên dịch cho một công ty liên doanh ở Hải Phòng. Thời gian này, Hòa quen và yêu La Mao Vũ (SN 1978, quốc tịch Trung Quốc - công nhân cùng công ty Hòa). Mặc dù không được gia đình đồng ý cho lấy Vũ nhưng trót mang thai, năm 2008 Hòa sinh một bé trai rồi về nương nhờ nhà bố mẹ đẻ. Cũng thời gian này, Vũ phải trở về Trung Quốc để lo việc gia đình.
Đến đầu năm 2010, khi Vũ liên lạc với Hòa và bàn với La Phong Phong (SN 1989), Hoàng Quần Thắng (SN 1974), Vương Chí Tuyên (SN 1974) đều mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam (trong đó Vũ và Tuyên nhập cảnh trái phép) thuê nhà nghỉ để thực hiện hành vi trộm cắp. 0h ngày 13-6, nhóm đối tượng này chở nhau bằng xe máy đến trụ sở UBND xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) phá cửa, phá két sắt để tại Phòng Tài chính kế toán và lấy đi hơn 83 triệu đồng. Hành vi của Thắng, Tuyên và Phong đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt cùng mức án 3 năm tù giam; còn Vũ 30 tháng tù và Hòa 24 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản” vào ngày 25-11-2010. Mặc dù các bị cáo đã bị trả giá bằng những hình phạt thích đáng nhưng với Hòa, có lẽ sẽ khó tránh khỏi sự chỉ trích của xã hội vì đã “cõng rắn cắn gà nhà”.
Theo một điều tra viên - CATP Hà Nội, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra tại các địa phương diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất mức độ cũng rất nghiêm trọng. Để hạn chế gia tăng tình trạng tội phạm “ngoại” thì các cơ quan chức năng ở cơ sở cần thực hiện nghiêm công tác quản lý khai báo, đăng ký tạm trú của người nước ngoài; Kịp thời phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các trường hợp có nghi vấn người nước ngoài phạm tội.