Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã h...

Kinhtedothi - Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, những thay đổi về phương thức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), cách tính và thời điểm tính lương hưu là những nội dung đáng quan tâm.

Nhiều thay đổi liên quan đến lương hưu

Theo tờ trình Dự thảo Luật, thay vì tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng như hiện nay, từ ngày 1/7/2015, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động thuộc các cơ quan Nhà nước sẽ là toàn bộ thời gian đóng, giống như khối ngoài Nhà nước. Đồng thời, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định điều kiện hưởng BHXH một lần cũng chỉ giải quyết với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp. 
Người dân đến làm thủ tục về chính sách lao động - thương binh xã hội                           tại quận Nam Từ Liêm.      Ảnh: Hải Linh
Người dân đến làm thủ tục về chính sách lao động - thương binh xã hội tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh
Ngoài việc thay đổi về mức đóng BHXH căn cứ trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ, để tăng tính ổn định cho Quỹ BHXH, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Tăng thời gian đóng hay mức đóng?

Bàn về việc có nên tăng tuổi hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Quỹ hưu trí và tử tuất đang có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, nếu như năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là khoảng 76,6%. Do vậy, cần phải điều chỉnh thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, để có thể quyết định vấn đề này, cần dự báo về thị trường việc làm, việc bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ BHXH trong 10 - 20 năm tới để làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng ý với quy định tăng thời gian đóng BHXH, nhưng nên có sự cân đối về lộ trình giữa nam và nữ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhận định: "Cần phải nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu, nếu thấy cần thì có thể sửa ngay trong Bộ Luật Lao động".

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng: Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu - chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. Tại sao không thực hiện ngay Bộ Luật Lao động dựa vào thu nhập để tính tiền đóng BHXH  ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng? Bởi, nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, nhưng nhiều ngành nghề khác không thể kéo dài được. "Hiện, 58.000 nữ công nhân cao su chỉ 48 - 50 tuổi đã không đủ sức khỏe làm việc được nữa mà vẫn phải đợi đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là rất bất hợp lý".

Các thành viên UBTV Quốc hội cũng lưu ý, Dự thảo Luật cũng cần tính để các cơ chế xử phạt đối với các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm pháp luật về BHXH bởi tình trạng đóng không đủ, nợ đọng BHXH đang diễn ra rất phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về oan sai trong tố tụng hình sự

Trước đó, trong phiên họp sáng 18/4, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTV Quốc hội năm 2015. Trong số 6 chuyên đề giám sát được đưa ra lấy ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên UBTV Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội Khóa XIII. Cùng với đó là các chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2013; Thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2014. 

UBTV Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.