Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiêm túc xem xét những án oan sai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2013, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án mới khởi tố tăng so với cùng kỳ, một số loại tội phạm gia tăng về tính chất, mức độ nguy hiểm; các tranh chấp dân sự, hành chính cũng gia tăng.

Sáng nay (24/12), tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoach và đầu tư và một số ban ngành đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về một số kết quả trọng tâm của ngành trong năm 2013.

Theo Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2013, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án mới khởi tố tăng so với cùng kỳ, một số loại tội phạm gia tăng về tính chất, mức độ nguy hiểm; các tranh chấp dân sự, hành chính cũng gia tăng. Nguyên nhân chính từ sự suy giảm kinh tế, phá sản của doanh nghiệp, đạo đức xã hội xuống cấp, bên cạnh đó là công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu sót dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao.

 
Chủ tịch nước làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch nước làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Để kịp thời đấu tranh ngăn chặn với diễn biến phức tạp của tội phạm, năm qua, ngành kiểm sát đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong đó chú trọng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đúng người, đúng tội, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai.

Tỷ lệ giải quyết án của Viện Kiểm sát đạt 98,7%, số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm chỉ còn 3,82%... Các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được ngành phối hợp với các cơ quan truy tố xét xử theo thẩm quyền. Những kết quả này đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh tội phạm, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế như tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa cao; hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương còn coi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan tư pháp nên chưa có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh kết quả mà ngành kiểm sát đã đạt được trong năm vừa qua, nhất là nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, phát hiện và xử lý hạn chế thấp nhất vụ án oan sai. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình thì một trong yếu tố quan trọng nhất của ngành kiểm sát là không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước khẳng định: “Xã hội đặc biệt quan tâm đến oan sai, bỏ sót tội phạm. Mặc dù chưa phải mang tính chất đến mức đại trà, nhưng vẫn còn xảy ra. Khách quan mà nói, không phải qua vụ ông Nguyễn Thanh Chấn mà phủ định tất cả những thành quả của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, thi hành án. Nhận thức như thế là sai trái và phi thực tế, bởi cái được vẫn là nhiều nhất. Tất nhiên chúng ta cũng phải hết sức nghiêm túc xem xét những án oan sai”.

Đánh giá cao hoạt động công tố và kiểm sát tư pháp đã có chuyển biến tích cực, Chủ tịch nước cho rằng ngành kiểm sát cần phải phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng từ điều tra, xét xử, thi hành án để kịp thời phát hiện những vi phạm để không bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội. Đặc biệt, phải đảm bảo đúng thời gian, đưa ra xét xử đúng pháp luật đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để kéo dài dễ dẫn đến giảm lòng tin của nhân dân.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phát triển thì tội phạm cũng phải giảm, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt lên các cơ quan tư pháp. Cùng với thực hiện chức năng đấu tranh với các loại tội phạm, ngành kiểm sát cũng như các cơ quan tư pháp từ thực tiễn công tác của mình phải tham mưu đề xuất những giải pháp cho Đảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm xây dựng xã hội lành mạnh, công khai, dân chủ.

Nhấn mạnh, năm 2014 là năm bắt đầu thực hiện Hiến pháp mới sửa đổi, Chủ tịch nước đề nghị ngành kiểm sát cần có tổng kết thực tiễn công tác để thể chế hóa vào các đề án, dự án luật sửa đổi... để khi ban hành đáp ứng sát thực cuộc sống và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, ngành kiểm sát phải dồn sức vào công tác kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế để đáp ứng công tác cải cách tư pháp và công cuộc hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước.