Sau 6 tháng phát động, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được gần 70.000 bài dự thi, trong đó có nhiều bài phản ánh hiện tượng mất ATGT, những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất phương kế cho giao thông Thủ đô. Thành công của cuộc thi đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, thanh niên, lực lượng vũ trang… về mọi vấn đề giao thông của Hà Nội từ trung tâm đến các quận, huyện vùng ngoại thành, ven đô đều được khắc họa đầy đủ, đa chiều. Trong đó, phải kể đến sự tham gia đông đảo, tích cực của các em học sinh cấp tiểu học. Qua đôi mắt hồn nhiên của trẻ thơ, những vấn đề nóng của ATGT đã được soi rọi với nhiều giải pháp, đóng góp sâu sắc. Ở mỗi ý tưởng, các “công dân nhí” đều gửi gắm một thông điệp riêng, khiến không ít người lớn phải giật mình và suy ngẫm. Từ đó đúc kết ra nhiều bài học về vấn đề tham gia giao thông của chính bản thân. Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng một số ý kiến thể hiện quan điểm, góc nhìn của các em học sinh về vấn đề ATGT.
Mong người lớn “bớt vội” 5 giờ chiều mùa Đông, sau khi tan học và ra về được 30 phút, em và mẹ vẫn lạc trong “mê trận” xe cộ. Ngày nào cũng vậy, đường từ trường về nhà chỉ 2 cây số thôi nhưng vì ùn tắc nên mẹ con em phải nhích từng cm. Phía sau, một đoàn ô tô nối đuôi nhau như một con rắn khổng lồ. Khói bụi khiến không khí trở nên ngột ngạt. Xe máy, xe đạp, người đi bộ hòa vào nhau tạo nên một bức tranh hỗn loạn. Trước mắt em, một vài người nước ngoài giơ tay xin sang đường trong sự hoảng hốt. Đèn đỏ mà không có xe nào đứng lại. Đâu đó những tiếng cáu gắt, còi xe inh ỏi khiến khung cảnh thêm ảm đạm. Giá như mọi người lớn đều có thể đi chậm lại một tý, nhường nhịn nhau một ít. Nghĩ tới mình và nghĩ tới người khác, chấp hành đúng tín hiệu đèn giao thông thì quãng đường về nhà sẽ được “bà tiên” ban đũa phép để ngắn lại và nhanh hơn thôi, người lớn nhé!
Trần Phương Linh Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba
Em đi qua ngã tư đường phố Ở ngã tư đường phố Có bác đèn giao thông Mặc áo vàng, xanh, đỏ Chỉ đường cho xe cộ Đi lại được an toàn Bác đèn giao thông ơi? Khi bác mặc áo đỏ? Cháu phải đi thế nào? Khi bác khoác áo đỏ Cháu phải dừng lại thôi Và chỉ được chạy tới Khi đèn xanh bật rồi Em ngoan, em nhớ lâu Xanh đi, đèn đỏ dừng mau đúng rồi
Nguyễn Công Bộ Trường Tiểu học Tiến Thắng A
Thiết kế những vạch kẻ đường rõ nét Sau này khi lớn lên em sẽ là Bộ trưởng Bộ GTVT để xây dựng những lối đi bộ, đi xe đạp an toàn cho các bạn học sinh. Em còn thiết kế cho những vạch kẻ sang đường thật rõ nét, bắt mắt để ai ai cũng có thể đến trường học tập mà không phải sợ hãi hay lo lắng về những chiếc xe máy “lao như thiêu thân” đang rình rập xung quanh hàng ngày.
Nguyễn Hoàng Nam Trường Tiểu học Cao Dương
Luôn chấp hành tốt các quy định của luật giao thông Vào những buổi lễ tuyên truyền an toàn giao thông, chúng em luôn được xem những hình ảnh, những thước phim khủng khiếp về các vụ tai nạn giao thông. Cảnh những chiếc xe máy, ô tô dúm dó, bẹp nát nằm trên đường phố, người bị thương, chảy máu... luôn khiến em cảm thấy sợ hãi. Tất cả chúng ta đều trông thấy hậu quả khôn lường về mất mát mà tai nạn giao thông gây ra. Chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót, cảm thương, chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông. Kiên quyết không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định! Khi tham gia giao thông hãy nhớ đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt là luôn nhớ “Không đèo ba, chở bốn” lạng lách, đánh võng các bạn nhé!
Nguyễn Thu Trang Trường Tiểu học Nghĩa Tân
Di chuyển nhanh qua khu vực có tai nạn giao thông Ở trước cổng trường nơi em học, mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông, chỉ trong vài phút đã có rất đông người lớn tụ tập xung quanh, chỉ trỏ và bàn luận gây ra cảnh ùn tắc, lại cản trở cho các cô, chú bác sĩ, cảnh sát giao thông làm việc. Nhiều người dù đã đi nhưng vẫn cố ngoái đầu lại để theo dõi diễn biến những sự cố giao thông dẫn đến tự gây tai nạn hoặc va chạm với các phương tiện khác trên đường. Đã đến lúc người lớn cần bớt “tò mò”, khi thấy nạn nhân bị tai nạn đã có người giúp đỡ thì nên di chuyển nhanh qua khu vực đó cũng là cách gián tiếp để “cứu” họ, lại tránh được tình trạng ùn tắc, mất an toàn.
Kiều Văn Thuật Trường Tiểu học Thanh Thùy
“Em thích đội mũ bảo hiểm lắm” Từ hồi bé xíu, mũ bảo hiểm đã là đồ chơi ưa thích của em rồi, có khi còn nghịch ngợm đội thử dù lọt thỏm trong đầu. Lên lớp 1, mẹ mua cho em mũ bảo hiểm Hello Kity vừa đẹp lại vừa vặn nữa. Về nhà, em tự trang trí mũ bằng cách dán thêm những sticker hình ngộ nghĩnh Doreamon, Frozen mà em mua trong siêu thị, đẹp lắm. Đi đâu em cũng đội hết. Nhiều lần leo lên xe ngồi rồi mà nhỡ quên mũ bảo hiểm là em lại leo xuống chạy vào nhà lấy cho bằng được. “Các bạn cũng mua cho mình một chiếc mũ bảo hiểm xinh xinh đi, đội lên vừa đáng yêu lại an toàn nữa” - mẹ em bảo thế.
Nguyễn Hà Thi Trường Tiểu học Chương Dương
Tuân thủ theo sự chỉ dẫn của các chú giao thông Mỗi lần đi học vào giờ tắc đường, trước mắt em là một biển người ngược, xuôi đi lại. Lúc này dường như tín hiệu đèn giao thông trở nên “quá sức” trong việc giải tỏa ùn tắc. May mắn thay, các chú công an giao thông đã xuất hiện, với những hiệu lệnh điều khiển giao thông “thần kỳ”. Em vẫn hay đùa với mẹ rằng “đó là đũa phép đấy ạ”. Này nhé, khi các chú tay giơ thẳng đứng là cả đoàn người lập tức dừng lại, nhưng khi cánh tay phải các chú giao thông gập đi gập lại trước ngực là người tham gia giao thông được phép di chuyển nhanh hơn. Nhờ các chú mà con đường ùn tắc chẳng mấy chốc đã thông thoáng trở lại. Thế mới thấy việc tuân thủ theo hiệu lệnh của các chú cảnh sát giao thông thật quan trọng.
Nguyễn Diệp Anh Trường Tiểu học Phương Mai
Tiếng còi tàu Xình xịch xình xịch Nghe tiếng còi tàu Hãy nhắc nhở nhau Mau mau tránh xa Đừng ra cổng chắn Vượt qua đường tàu Thể hiện cái “tôi” Khi tàu xịch đến Biết tránh vào đâu?
Nguyễn Yến Nhi Trường Tiểu học Thăng Long