Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại hạng Anh “âm thầm” vào cuộc

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải Ngoại hạng Anh đã chính thức khởi tranh. Ở Việt Nam, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh khởi đầu trong sự lặng lẽ. Sự lặng lẽ ấy đến từ việc, giới truyền thông, đặc biệt là các nhà đài không còn mặn mà với cái bánh mang tên bản quyền.

Không thể không có

K+ chính là đài truyền hình đã chi số tiền rất lớn để có được bản quyền toàn bộ các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh. Đặc biệt, họ còn sở hữu độc quyền trận đấu ngày Chủ nhật và các trận sớm, hay nhất ngày thứ Bảy. K+ xác định việc sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng mang tính sống còn của bài toán kinh doanh. Các nhà lãnh đạo của nhà đài này tin rằng, nếu không có món hàng độc, chiến lược kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoại hạng Anh “âm thầm” vào cuộc - Ảnh 1
K+ đã ở thế cưỡi lưng cọp. Họ mới ra đời và cần có những món ăn đặc sản để phát triển hoặc đơn giản là giữ chân khách hàng. Và để có chi phí tham gia cuộc đua tốn kém, K+ đã chia tay với một loạt giải đấu, trong đó có Cúp C1, Seria A... Họ tin rằng, chỉ cần giữ được bản quyền Ngoại hạng Anh thì chiến lược chiếm lĩnh thị trường sẽ không bị ảnh hưởng.

Cùng tâm trạng với K+ là VTV cab. Nhà dịch vụ có số lượng thuê bao cực lớn này đối diện với nguy cơ mất thị phần nếu không có bản quyền Ngoại hạng. Trước đó, nhà đài này đã đối diện với cú sốc khi bị tạm đình chỉ quyền khai thác Cúp C1 châu Âu dù đã mua bản quyền 3 năm. Lý do là VTV cab vi phạm những quy định khắt khe trong bản hợp đồng đã ký với đối tác. Thế nên, để đảm bảo sự ổn định về thị phần, họ phải có những sản phẩm khác biệt để duy trì sức cạnh tranh.

Nhiều đài dừng bước

Bản hợp đồng trước, VTC vẫn mua một gói bản quyền khiêm tốn nhằm phục vụ các khách hàng của mình. Đó thực sự là nỗ lực lớn bởi lượng thuê bao của VTC hạn chế hơn các đối thủ. Và khi giá bản quyền leo thang chóng mặt trong thời gian vừa qua, VTC buộc phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của mình. Cho đến thời điểm hiện tại, khi giải đấu đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, VTC sẽ tham gia mua miếng bánh còn lại của giải Ngoại hạng Anh sau khi đã được phân phối cho K+.

Không chỉ có VTC phát tín hiệu “buông súng” trong cuộc đua tốn kém, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HTV) vốn coi bóng đá là mũi nhọn cũng quyết định đứng ngoài cuộc chơi.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu VTV, VTC hay HTV có thể lấy thu bù chi trong các thương vụ mua bản quyền. Việc khai thác quảng cáo trong thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn. Thậm chí, một lãnh đạo VTV đã thừa nhận rằng chưa bao giờ nhà đài này có lãi trong các chiến dịch kinh doanh bản quyền bóng đá. Họ lấy sự phục vụ làm ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, trước áp lực về tài chính, các đài truyền hình đã phải tính đến yếu tố hiệu quả trong các thương vụ liên quan đến bản quyền bóng đá.