Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi nhà của trẻ lang thang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không những phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn mà HTX khảm trai Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên còn được coi là một mái ấm tình thương cho những trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

KTĐT - Không những phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn mà HTX khảm trai Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên còn được coi là một mái ấm tình thương cho những trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Nòng cốt của làng nghề khảm trai truyền thống nổi tiếng của xã Chuyên Mỹ chính là HTX khảm trai Ngọ Hạ. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề khảm trai Ngọ Hạ hình thành từ thời Lý, do ông tổ Trương Công Thành, một danh tướng của triều đình nhưng đã lui khỏi chốn quan trường gây dựng nên. Hiện nay, tại HTX Ngọ Hạ vẫn còn đền thờ ông tổ nghề.

Là đơn vị kinh doanh thành đạt, có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ, HTX khảm trai Ngọ Hạ đã đứng ra hỗ trợ và cưu mang nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em khuyết tật, mồ côi ở Hà Tây (cũ) và Hà Nội ngày nay. Hiện tại, cơ sở đang nuôi dạy 17 em. Khi các em mới về, HTX cắt cử các xã viên giúp các em sớm hoà nhập môi trường mới, rồi từng bước truyền dạy các em làm quen với nghề khảm.

Chủ trương nhận trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh thiệt thòi vào HTX Ngọ Hạ bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Ban chủ nhiệm HTX nhận thấy cần phải có những hành động giúp đỡ các trẻ em ăn xin, khuyết tật lang thang trong vùng. "Dạy dỗ các trẻ bình thường làm nghề truyền thống đã không đơn giản, nhưng ở đây, hầu hết trẻ được HTX nhận vào là những em khuyết tật, chân tay vận động khó khăn, thậm chí còn có trạng thái tâm lý không bình thường nên công việc dạy nghề cho các em rất khó khăn. Phải mất hàng tháng ròng mới đưa các em quen với khuôn khổ sinh hoạt và nếp sống mới ở HTX" - bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX khảm trai Ngọ Hạ kể.

Thời kỳ năm 1994 là giai đoạn HTX khảm trai Ngọ Hạ rất phát triển, cũng thời gian này, số lượng trẻ em lang thang được HTX cưu mang và dạy nghề lên đến 150 em. Số lượng các em đông vượt gấp nhiều lần số lượng thợ khảm chính của HTX. Hội trường, phòng khách của HTX phải chuyển thành nơi ăn nghỉ của các em. HTX làng nghề như một trại trẻ kín chỗ, song mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất vẫn được duy trì, phát triển. Cũng từ mái ấm Ngọ Hạ này, không ít các em có cùng cảnh ngộ đã kết đôi, nên duyên vợ chồng, trở thành những thợ khảm có tay nghề, giúp ích cho xã hội, như các em Việt và Trang; Chiến và Hoa... Với những thành tích đã đạt được, HTX khảm trai Ngọ Hạ đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Thành phố và Trung ương.