Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngổn ngang phế thải trên đường 23B

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Nhiều tháng qua, trên đường 23B đoạn qua địa phận xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) xảy ra tình trạng phế thải, vật liệu xây dựng (VLXD) chất đống ngổn ngang dọc hai bên đường.

Không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, điều này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo khảo sát của phóng viên, phế thải, VLXD được tập kết, chất đổ trái phép tập trung trên đoạn đường từ khu vực Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì đến Nhà máy Bia Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội). Tại nhiều vị trí, bãi chứa chất thải cao từ  1,5 - 2m, nằm chắn ngang 1/2 diện tích lòng đường. Anh Nguyễn Văn Nam (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) hiện công tác tại một viện nghiên cứu ở quận Bắc Từ Liêm thường xuyên qua lại con đường cho biết, những ngày trời mưa, bùn đất phế thải chảy tràn làm mặt đường hết sức trơn khiến phương tiện rất dễ bị trượt đổ. Điều đáng nói nữa là tuyến đường đang trong quá trình được đầu tư nâng cấp, chưa được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Do đó, việc đi lại vào buổi tối của người dân thêm nhiều nguy cơ mất an toàn. Thực tế đã có trường hợp xe máy và ô tô va chạm gây thương tích khi tránh đống phế thải.     

Phế thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang trên đường 23B.

Bên cạnh việc phế thải, VLXD chất đống nằm ngổn ngang, do tuyến đường đang trong quá trình thi công dang dở nên rất nhiều ống cống phục vụ xây dựng hệ thống thoát nước hiện vẫn nằm chềnh ềnh ngay bên đường. Theo phản ánh của nhiều người dân, tiến độ lắp đặt ống cống diễn ra rất chậm. Công tác quản lý tuyến đường cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Trong khi dọc hai bên đường, phế thải, VLXD nằm ngổn ngang, thì tại dải phân cách giữa hai làn đường, cỏ dại mọc um tùm, có đoạn cỏ mọc cao quá đầu người. Một số hộ dân sống lân cận còn tận dụng diện tích đất này để... trồng rau xanh.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Vương Ngọc Chi – Chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 23B (giai đoạn 1) do Sở GTVT Hà Nội là chủ đầu tư hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do địa phương chưa được bàn giao nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Chi, không chỉ có phế thải, VLXD, một bộ phận người dân có ý thức chưa cao còn thường xuyên đổ rác thải sinh hoạt ra ven tuyến đường. Địa phương phải thường xuyên tổ chức các đội xe thu gom rác thải sinh hoạt dọc đường 23B. Đối với phế thải, VLXD, ông Chi cho hay: Việc đổ trộm thường diễn ra vào buổi tối nên địa phương rất khó kiểm soát (?!). Để quản lý được vấn đề này, ông Chi kiến nghị Sở GTVT Hà Nội bố trí lực lượng, tổ chức trực chốt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đổ trộm phế thải, VLXD dọc đường 23B.
Nhằm bảo đảm an toàn cho việc đi lại của người dân, địa phương kiến nghị Sở GTVT sớm hoàn thành các hạng mục đường 23B hiện còn dang dở. Cùng với đó, UBND huyện Đông Anh cũng cần tích cực, chủ động chỉnh trang tuyến đường, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT siết chặt quản lý, xử lý tình trạng đổ trộm phế thải, VLXD, sớm trả lại mỹ quan xanh – sạch – đẹp cho tuyến đường. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm, thiết thực hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị năm 2016” đang được TP quan tâm chỉ đạo thực hiện.