Ngổn ngang sau mưa lũ

Ghi chép của Quang Hải từ Quảng Trị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tui khiếp hồn rồi chú nhà báo ơi. Không còn chi nữa hết. Năm nay lũ lụt chi mà kinh hoàng”- chị Hồ Thị Ngọc Vân, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xót xa nhìn gần 80 tấn lúa bị nước lũ ngâm đã bốc mùi chua, mọc mầm trắng xóa…

Người dân xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị vận chuyển lúa bị ngâm nước đi sấy. Ảnh: Quang Hải
Mưa như múc nước đổ đầu
Ngày 20/10, trời Quảng Trị vẫn đổ mưa không ngớt khiến nỗi lo lũ chồng lũ chất lên đầu người dân. Dọc con đường từ TP Đông Hà về huyện Triệu Phong, một trong những địa bàn bị ngập lụt nặng nhất tỉnh Quảng Trị, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì bùn non quấn chặt bánh xe, đất đá xói lở. Nước lũ đã rút để lộ ra cảnh hoang tàn trên những vùng quê nghèo. Đâu đó dọc bên đường, từng đống rác theo mực nước lũ dâng tràn còn nằm vắt tít tận ngọn tre. Những ngôi nhà ven đường, lũ đánh dấu mực nước lịch sử trên những bức tường.

Tại xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong), người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa sau nước rút. Nhà ông Dương Văn Quang (68 tuổi) bị ngập nhất làng, nước sâu gần 1,5m, toàn bộ tài sản chìm trong nước. “Chứng kiến nhiều trận lũ lụt lịch sử nhưng chưa bao giờ tôi thấy trận lụt nào như thế này. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, mực nước lên khoảng 30cm, không ai kịp trở tay. Cả nhà tập trung kê dọn đồ đạc đầu này thì ngoái lại phía kia đã bị nước ngâm hết. Nước lên nhanh chóng mặt và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1983 gần nửa mét. Mấy chục bao lúa là lương thực dự trữ cho cả năm đã bị ngấm nước, nếu những ngày tới tiếp tục mưa thì chắc chắn hỏng hết” – ông Quang kể.

Đứng nhìn bức tường rào bị đổ sập và vườn tược xói lở, chị Nguyễn Thị Yến Tuyến (thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) chưa hết bàng hoàng kể: “Cả đêm 17 đến sáng 18/10, vợ chồng tôi không ngủ được vì lo sợ. Nước lên quá nhanh và chảy siết làm sập cả bức tường rào, xói lở nhà bếp và cuối trôi hết đồ đạc trong nhà. Mẹ tôi già yếu đêm đó bị trượt ngã gãy chân nên cả nhà chỉ biết đứng cầu trời đừng mưa nữa, mà nước cứ như ai múc đổ xuống đầu”. Nhà chị Tuyến khó khăn vì hai vợ chồng làm nông nuôi 4 đứa con ăn học. Chắt chiu bao năm mới tiết kiệm được 20 triệu đồng để xây cái hàng rào, sắm sửa những vật dụng trong nhà nhưng giờ tất cả đã trôi theo dòng nước.

Không còn gì sau lũ

Có mặt tại trường Mầm non xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) lúc 2 giờ chiều ngày 20/10, các cô giáo chia nhau miếng bánh chưng lót dạ sau nhiều giờ mệt nhoài lo dọn dẹp. Nước lụt đã ngâm hết tất cả máy tính, hồ sơ, đồ dùng dạy học của cô trò. Sân trường bùn non đặc quánh, dày hơn gang tay. Ngao ngán nhìn tất cả đồ dùng dạy học bị hư hỏng, cô Hiệu trưởng Lê Thị Dung nói: “Hư hết, không còn thứ chi. Lo nhất là hồ sơ các cháu và tất cả tài liệu của trường lưu trong máy tính bị mất dữ liệu” - cô Dung âu lo.

Cô Dung cho biết thêm, đây là đợt lũ lụt thứ 3 và gây thiệt hại quá lớn cho nhà trường. “Hai lần trước nước nhỏ hơn và chúng tôi cũng tốn công sức để dọn dẹp. Nhưng vừa dọn xong thì lũ lại ập về, dâng cao. Giờ thì bùn đất phủ hết phòng ốc, tan hoang”, chỉ tay ra sân trường với lớp bùn đất dày cùng ngổn ngang đồ dùng dạy học, cô Dung nói trong sự xót xa.

Hỏi thăm, người dân cho biết 100% các hộ dân trên địa bàn các xã Triệu Thuận, Triệu Độ… của huyện Triệu Phong đều bị ngập, có nhà nước lên gần đến mái. Hàng ngàn tấn lúa bị nước ngập hư hỏng, hàng trăm hécta hoa màu và chưa thể thống kê số lượng gia súc, gia cầm của người dân bị nước cuốn phăng.

Tại nhiều địa bàn huyện Hải Lăng, Gio Linh, nước vẫn còn cao và chia cắt. Người dân đang lo nỗi lo lũ chồng lũ vì tin bão ngoài khơi, vừa khẩn trương cứu vớt tài sản. Chị Hồ Thị Ngọc Vân (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) thu mua lúa của bà con về xay rồi cung cấp gạo cho nhiều địa bàn. Đợt lũ này nước ngập nhà kho, ngâm hơn 80 tấn lúa. “Mỗi tấn lứa khoảng 8 triệu đồng. Giờ nước ngâm lâu ngày hư hết nhưng chẳng lẽ vứt đi thì có tội nên tôi chở đến nhà máy thuê người ta sấy. Chi phí công vận chuyển, nhân công và tiền sấy mỗi tấn lúa hết khoảng 1 triệu đồng. Nhưng sấy rồi chỉ biết bán cho người ta về để gà vịt ăn, chứ người ăn sao được nữa. Mà cũng lo bán không ai mua. Năm nay xem như tôi trắng tay rồi” - chị Vân chia sẻ trong nước mắt. Không riêng gì chị Vân, rất nhiều hộ dân buôn bán lúa gạo trên địa bàn cũng chịu cảnh tương tự, trắng tay.

Trời Quảng Trị vẫn đổ mưa. Nước trên những con sông ở thượng nguồn vẫn đang đổ về và nguy cơ xuất hiện thêm một trận lũ lụt khác hiển hiện. Dọc đường trở về, tôi và anh bạn đồng nghiệp cùng quê Quảng Trị chỉ biết thở dài, lặng nhìn quê hương hoang tàn sau cơn lũ. Nghĩ đến người dân miền Trung lúc này, lòng tôi quặn thắt…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần