Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngóng vốn lãi suất 6%/năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư quy định cho vay hỗ trợ mua nhà ở với mức lãi suất 6%/năm.

Đây là điều mà người dân, đặc biệt với những người thu nhập thấp chờ đợi và hy vọng sớm được triển khai. Tuy nhiên, để vốn vay ưu đãi mua nhà đến đúng đối tượng thì vẫn là câu chuyện dài. 

Ngóng vốn lãi suất 6%/năm - Ảnh 1

 
Người thu nhập thấp hy vọng được hỗ trợ vốn mua nhà ở với mức lãi suất 6%/năm. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.Ảnh: Đức Giang

Hy vọng rụt rè

Theo NHNN, nguyên nhân không đưa hình thức cho vay để mua nhà ở xã hội vào dự thảo Thông tư là để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và  Luật Nhà ở năm 2005. Cơ quan này cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ các đối tượng thu nhập thấp được vay vốn mua nhà ở xã hội lãi suất 6%. Bởi vậy, bất cứ khi nào các quy định của pháp luật cho phép, NHNN sẽ bổ sung ngay hình thức mua nhà ở xã hội vào Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ.
Còn hơn 200 triệu đóng tiền đợt cuối để mua căn hộ tại Dự án nhà thu nhập thấp Đại Mỗ, anh Nguyễn Hoài Nam (Kim Giang, Hà Nội) vui mừng khi nghe thông tin sắp tới sẽ có khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 6%/năm. "Như vậy, nếu tôi vay 100 triệu đồng thì chỉ mất khoảng 500.000 đồng mỗi tháng. Mức lãi như vậy là phù hợp với hoàn cảnh của cả hai vợ chồng cùng là công nhân như chúng tôi"- anh Nam nói. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ Dự thảo, anh Nam mới té ngửa, mình không thuộc diện được vay. Đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chỉ được vay để thuê, thuê mua chứ không được vay mua nhà xã hội. 

Cùng hoàn cảnh thu nhập thấp, nhưng chị Trần Linh lại chọn mua căn hộ 45m2 tại Dự án Đại Thanh với giá 13 triệu đồng/m2. "Nếu chiếu theo các đối tượng được vay vốn theo Dự thảo thì chúng tôi đủ điều kiện đáp ứng"- chị Linh lạc quan.

Theo Dự thảo Thông tư, có 3 đối tượng thuộc diện được vay vốn lãi suất 6%/năm. Đó là đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cuối cùng là các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, theo thông báo của Bộ Xây dựng.

Nếu được thông qua, người mua nhà để ở sẽ được hưởng mức lãi suất vay 6%/năm ổn định kéo dài đến hết 15/4/2016. Sau đó, NHNN sẽ công bố mức hỗ trợ cụ thể từng thời điểm. Các ngân hàng thương mại Nhà nước phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay. NHNN nước dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng để cho vay thông qua hình thức tái cấp vốn. Hy vọng là vậy, tuy nhiên, người có nhu cầu vay mua nhà để ở cũng chỉ dám hy vọng một cách rụt rè. Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng công bố cho vay vốn giá rẻ nhưng nhiều lần trước, đa số những người có nhu cầu lại không vay được vì không đủ điều kiện đáp ứng cho vay.

Ngóng vốn lãi suất 6%/năm - Ảnh 2
 
Để người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội, các ngân hàng cần cho vay dài hạn với lãi suất thấp,cố định.Trong ảnh: Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên.Ảnh: Đức Giang

Ngặt nghèo điều kiện 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các ngân hàng đều không chấp nhận hợp đồng mua bán căn hộ làm tài sản thế chấp mà yêu cầu khách hàng phải có thêm căn hộ/nhà/đất. Bên cạnh đó, người vay vốn cũng phải chứng minh được khả năng trả nợ với ngân hàng. "Đã là vay vốn cho đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức khó khăn thì lấy đâu thêm một căn hộ hay nhà đất khác để làm tài sản thế chấp ngoài hợp đồng mua bán căn hộ mà chúng tôi đang mua. Hơn nữa, với thu nhập cán bộ công chức hai vợ chồng khoảng 10 triệu, rõ ràng rất khó để ngân hàng cho vay. 10 triệu ấy chỉ đủ để trang trải cuộc sống, lấy đâu ra tiền trả lãi ngân hàng"- anh Hà Quang, một khách hàng mua nhà Dự án Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) nói.

Không đủ điều kiện vay vốn, việc giải ngân ngặt nghèo, lãi suất cao… là những rào cản lớn khiến thời gian trước đây, dù nhiều ngân hàng rầm rộ công bố các gói lãi suất ưu đãi nhưng người thu nhập thấp tiếp cận được vốn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu Dự thảo này được thông qua, rào cản lãi suất sẽ không còn vì 6%/năm là mức lãi suất chấp nhận được. Tuy nhiên, những rào cản khác như điều kiện cho vay lại vẫn bị... treo lơ lửng. Theo Điều 6 về tài sản đảm bảo tiền vay của Dự thảo, ngân hàng xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hay không bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay mua nhà đối với người thu nhập thấp ở mức 5 - 7%/năm là hợp lý. Đối với một căn nhà khoảng 1 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 80% giá trị tương đương là 800 triệu đồng, nếu lãi suất 5% và thời hạn vay 20 năm thì số tiền gốc và lãi hàng tháng chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng. Như vậy, một gia đình có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng sẽ đủ khả năng trả nợ. "Điều quan trọng là các ngân hàng cần cho vay dài hạn với lãi suất cố định. Nếu lãi suất thấp nhưng không phải là lãi suất cố định, lâu lâu lại điều chỉnh thì không ai có thể mua được nhà" - ông Hiếu nói.Một trong những phương án được nhiều chuyên gia đưa ra và nhận được sự ủng hộ của những người có mong muốn mua nhà là dùng chính căn nhà mua được để thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay việc thế chấp những căn hộ theo kiểu hình thành trong tương lại ít được thực hiện. Bởi vậy, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cần sớm có những cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong điều kiện vay vốn cũng như quy định về tài sản thế chấp.

“Đối tượng thu nhập thấp hiện nay vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, bởi họ không có tài sản thế chấp, đảm bảo thanh toán khoản vay. Vì vậy, ngân hàng cần nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn vay mua nhà và thủ tục thế chấp. Thậm chí cho dùng chính căn hộ mua làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Như vậy, chủ trương hạ lãi suất và nới lỏng thủ tục vay vốn mới tạo được sức lan tỏa làm ấm thị trường.” - Ông Nguyễn Ngọc Thành Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam