Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngừng hoạt động sàn vàng: Ngăn chặn yếu tố bất ổn kinh tế xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao

KTĐT - Hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả NĐT và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.

"Qua rà soát, việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong thời gian vừa qua tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế xã hội" - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố như vậy trong cuộc họp báo tổ chức sáng 5.1.2010.

Bất cập khung pháp lý

Theo quy định tại Luật NHNN năm 1997, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, chức năng quản lý của NHNN theo Luật NHNN, Pháp lệnh Ngoại hối cũng như các nghị định của Chính phủ còn có sự khác biệt.

Theo Luật NHNN, NHNN quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhưng theo các quy định hiện hành tại Pháp lệnh Ngoại hối, các nghị định của Chính phủ, NHNN hiện có chức năng quản lý các hoạt động liên quan đến vàng như hoạt động XNK vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; hoạt động huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD); quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước.

Các hoạt động: Mua, bán, sản xuất, gia công vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; hoạt động XNK vàng trang sức, mỹ nghệ không do NHNN quản lý; được cấp phép từ sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công Thương; XNK qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Trong một thời gian tương đối dài, từ cuối những năm 90 cho đến năm 2007, hoạt động kinh doanh vàng nhìn chung đã diễn ra khá ổn định và không có tác động lớn đến việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do biến động của giá vàng thế giới nên vàng lại trở thành hàng hoá đặc biệt và các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng đều có ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm ổn định KTXH.

Vì vậy, hiện nay vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vàng lại được đặt ra cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát lại các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình chính phủ ban hành thành một Nghị định quản lý đối với vàng theo hướng Nhà nước tập trung, thống nhất quản lý.

Đến nay đã có 11 NHTM và 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. 

Sàn vàng tự phát

Sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là sàn giao dịch vàng ACB, được hình thành vào ngày 25.5.2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm giao dịch vàng Sài Gòn- trực thuộc NHTM CP Á Châu gồm 9 thành viên. Các thành viên tham gia là các NHTM và DN kinh doanh vàng có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vàng.

Ban đầu, Trung tâm giao dịch vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là người tổ chức, vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.  Tháng 12.2007, ACB triển khai sản phẩm "Đầu tư vàng tại ACB" dành cho cá nhân.

Từ đó khối lượng giao dịch trên sàn đã gia tăng đột biến. Đứng trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh và sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc tổ chức sàn giao dịch vàng, nhiều NHTM khác và một số DN kinh doanh vàng đã thành lập các sàn giao dịch vàng như: Sàn giao dịch vàng của NHTMCP Việt Á, Phương Nam, Đông Á, Sacombank...

Hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả NĐT và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng. Đây không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.

Chỉ riêng Trung tâm giao dịch vàng Sài gòn của NH ACB ở thời điểm giao dịch sôi động nhất một ngày cũng có doanh số lên đến hơn 8.000 tỉ đồng. Đến nay, mặc dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đã chững lại thì dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng tại TP.Hà Nội và TPHCM cũng hơn 2.000 tỉ đồng.

Quản vàng, quản cả ngoại tệ

Do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các NĐT, đặc biệt là các NĐT cá nhân chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản, thời gian qua đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa NĐT và đơn vị tổ chức sàn.

Việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào năm 2006 nhằm giúp cho các đơn vị kinh doanh vàng có thể lựa chọn  mức giá khi quyết định XNK vàng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời gian qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế: Các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế. Đây là hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn.

Đồng thời, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua. Ngoài hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, một số DN kinh doanh vàng còn thực hiện việc mua bán ngoại tệ trái phép, mua bán vàng "thiếu tuổi".

Với quyết định mới nhất của Chính phủ, cho phép thời hạn 90 ngày để chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước nhằm cho phép NĐT có đủ thời gian tất toán trạng thái vàng đang nắm giữ trên tài khoản.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao NHNN bãi bỏ quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo QĐ 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18.1.2006 của NHNN. Đồng thời,  NHNN đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu đổi ngoại tệ trái phép, triển khai các biện pháp cần thiết để tăng cường quản lý việc chấp hành tiêu chuẩn chất lượng vàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.