Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người bộ hành vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn nhiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, sau một tháng cao điểm xử lý người bộ hành vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng CSGT đã xử lý gần 700 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, để quy định trên sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý sẽ còn nhiều việc phải làm.

Nơi cần thì thiếu, nơi có lại “ế”

Có mặt tại khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình trong ngày 1/3, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người đi bộ sai quy định diễn ra khá phổ biến. Mặc dù trước cổng bến xe đã có hầm dành riêng cho người đi bộ qua đường, song nhiều người vẫn thản nhiên bỏ qua, để di chuyển ngay dưới lòng đường phía trên, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác... Đây cũng là thực trạng đáng buồn đã và đang diễn ra tại khu vực cầu vượt bộ hành gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc).
Bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành, nhiều người vẫn sẵn sàng di chuyển ngay dưới lòng đường (Ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng).
Bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành, nhiều người vẫn sẵn sàng di chuyển ngay dưới lòng đường (Ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng).
Trong khi đó, tại một số khu vực như phố Chùa Láng, Hoàng Hoa Thám, Đê La Thành, Yên Phụ và đặc biệt là những tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm… câu chuyện xử phạt người bộ hành vi phạm luật giao thông vẫn là một nhiệm vụ nan giải. Bởi phần lớn diện tích vỉa hè trên tuyến, đặc biệt vào buổi tối, từ lâu đã dường như là "của riêng" của các hộ kinh doanh mặt phố. Ông Nguyễn Đức Tùng, phường Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết, muốn người dân đi bộ đúng cách, đứng nơi quy định thì trước hết các cơ quan chức năng phải tạo cho người dân một con đường đi đúng. “Vỉa hè có cũng như không bởi nó đã bị lấn chiếm để bày bán hàng hóa, cây cảnh… người dân không xuống lòng đường mà đi thì biết đi chỗ nào” – ông Tùng nói.

Thế nhưng, nếu phải chỉ ra một tuyến đường mà người dân “khát” có những làn đường dành cho người đi bộ nhất, chắc hẳn không thể bỏ qua đường Phạm Văn Đồng. Bởi, dù là một tuyến đường luôn thường trực ùn tắc, mất ATGT, song phải mất khá nhiều thời gian người đi bộ mới có thể tìm được cho mình một nơi qua đường đúng quy định.

Trả lại vỉa hè cho người bộ hành

Tại nhiều khu vực, mặc dù TP đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng các cây cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ, thế nhưng ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông đã khiến những công trình này rơi vào cảnh “ế” khách. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này tại cầu bộ hành Chùa Bộc, Trung úy Dương Đức Thái – Phó trưởng Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho biết, phần lớn người dân trong khu vực, những người sống ổn định trên địa bàn đều lựa chọn việc qua đường bằng cầu vượt, và phần lớn người vi phạm là sinh viên của các trường đại học trong khu vực. Cũng theo Trung úy Dương Đức Thái, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tăng cường đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, Công an phường sẽ tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp người đi bộ cố tình vi phạm.
Người đi bộ vi phạm luật giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Công Hùng
Người đi bộ vi phạm luật giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Công Hùng
Trong khi đó, theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra xử lý TNGT, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, để đảm bảo ATGT cho người đi bộ, trong thời gian tới, Phòng CSGT sẽ tham mưu cho Công an TP chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, trông giữ phương tiện… gây cản trở giao thông. Ngoài ra, Phòng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, ra soát, bổ sung biển báo, sơn kẻ vạch làn đường dành cho người đi bộ để phù hợp với thực tế. Cùng với đó, Phòng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà trường mở các lớp, các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức về luật giao thông cho các em học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào việc xử lý vi phạm để răn đe thì vẫn khó "ép" người đi bộ đi đúng quy định. Bởi thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật giao thông dành cho người đi bộ trên địa bàn TP vẫn chưa bảo đảm. Chính vì thế, cùng với việc tuyên truyền, tăng cường các yếu tố kỹ thuật như hệ thống biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch, làn sang đường... trước tiên, các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc “đòi” lại vỉa hè về cho người đi bộ. Mà vụ việc tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong (1 người đi bộ dưới lòng đường) tại phường Ái Mộ, quận Long Biên vào sáng 29/2 vừa qua, là bài học xương máu cho cả người đi bộ và cơ quan quản lý.
Theo thống kê của Phòng CSGT, qua một tháng cao điểm xử lý người bộ hành vi phạm luật giao thông, số vụ TNGT liên quan đến người đi bộ trên địa bàn TP đã giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương) so với cùng kỳ năm ngoái.