Người chăn nuôi lợn lao đao vì thị trường “đóng băng”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi cuộc chiến ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xác định còn phải trường kỳ thì tình trạng thị trường lợn bị “đóng băng” và giá cả liên tục giảm sâu đang là những gánh nặng đè lên vai người chăn nuôi, khiến họ kiệt quệ.

Giá lợn thương phẩm giảm sâu khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Nga
Sống dở, chết dở vì ế hàng
Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 19 tỉnh, thành trong cả nước; riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 7 quận, huyện xuất hiện dịch. Những người chăn nuôi lợn thời gian qua đang lao đao vì ảnh hưởng từ đại dịch này. Hiện, lợn thương phẩm và lợn giống đến thời kỳ xuất chuồng không có người đến thu mua, nếu có thì bị thương lái ép giá. Cực chẳng đã, hàng ngày người chăn nuôi đành chấp nhận bù lỗ để duy trì đàn.
Hà Nội vẫn đang áp dụng mức hỗ trợ tiêu hủy đối với lợn mắc dịch tả lợn châu Phi là 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi thị trường lợn hơi giảm xuống dưới mức hỗ trợ này, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP thay đổi mức hỗ trợ thành 80% giá thị trường (mức giá được lấy theo giá chung của Công ty CP Chăn nuôi CP bán ra). 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng

Trang trại của gia đình ông Nguyễn Sơn, thôn 8, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, là một trong những trang trại nuôi lợn lớn nhất của huyện. Từ khi Hà Nội chính thức bùng phát dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã tổ chức “cấm trại”. Tiếp chuyện chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi, hốc hác, ông Sơn than thở: “Cả gia tài đổ vào trại chăn nuôi này, nếu chẳng may xuất hiện dịch bệnh thì cả gia đình chỉ còn nước ra đường ở. Thời điểm này, tuy chưa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công nhưng “bão giá” lợn cũng khiến gia đình tôi sống dở, chết dở”.

Theo chia sẻ của ông Sơn, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam thì những hộ chuyên sản xuất lợn giống như gia đình ông lâm vào cảnh đường cùng. Do lợn giống sản xuất ra không bán được, vừa qua gia đình ông đã phải vay mượn hơn 400 triệu đồng để đầu tư xây thêm chuồng nuôi hơn 200 con lợn giống thành lợn thịt. Hiện, trung bình mỗi ngày, gia đình ông phải bù thêm hơn 1 triệu tiền thức ăn cho đàn lợn này. Để hạn chế chi phí, gia đình ông tự phối trộn thức ăn và dừng phối giống cho đàn lợn nái.

Cùng chung cảnh ngộ này, gia đình anh Phùng Huy Cường, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, chăn gần 30 lợn nái và gần 200 lợn thương phẩm. Anh Cường cho biết, hiện giá lợn con trọng lượng từ 12 - 15kg chỉ bán được 1,1 - 1,2 triệu đồng/con, so với 2 tháng trước thì mức giá này đã giảm một nửa. Với mức giá này, trung bình mỗi con anh phải bù lỗ 300.000 đồng. Tuy nhiên, để có vốn duy trì đàn lợn nái, gia đình anh vẫn chấp nhận bán cho thương lái.

Ngoài giá lợn giống bị giảm, giá lợn hơi xuất chuồng hiện cũng chỉ đạt 38.000 - 39.000 đồng/kg. Có nhiều nơi, giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn 34.000 - 35.000 đồng/kg và không có thương lái đến thu mua.

Nguy cơ bùng phát dịch cao

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội lo lắng: Trước tình hình giá lợn liên tục giảm và khó khăn về đầu ra như hiện nay, có thể ảnh hưởng mạnh tới tâm lý phòng dịch tả lợn châu Phi của người dân. Hiện Hà Nội vẫn đang áp dụng mức hỗ trợ là 38.000 đồng/kg đối với lợn mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy. Trong khi giá lợn trên thị trường đã chạm mức hỗ trợ, thậm chí nhiều nơi còn xuống thấp hơn. Tình hình này rất có thể người chăn nuôi sẽ bỏ đàn, không thực hiện các biện pháp phòng dịch để trông chờ hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, khí hậu miền Bắc hiện tại đang trong tiết Xuân, lạnh kèm mưa phùn, nồm ẩm, rất thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán ra diện rộng.

Theo ông Sơn, thời điểm này người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang, cần cố gắng giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn lợn nái. Bởi sau khi dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một số lượng thịt lợn nhất định. Nếu số lợn nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn để bù đắp cho thị trường. Đối với những cơ sở sản xuất lợn giống, cần bình tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, nên dừng cho lợn phối giống, bởi thời gian này các cơ sở chăn nuôi đều được khuyến cáo là không nên tái đàn, vì vậy thị trường lợn giống sẽ bị gián đoạn một thời gian. Còn đối với những hộ chăn nuôi lợn thịt, không nên hoang mang bán tháo đàn, gây nhiễu loạn thị trường.