Người Chủ tịch Hội có tâm sáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một chuyến công tác với Hội Nông dân TP, tôi có dịp được tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Bích - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Qua trò chuyện, tôi thấy khuôn mặt chị bừng sáng khi nói về những người nông dân, về công tác Hội, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Thụy.

Kinhtedothi - Trong một chuyến công tác với Hội Nông dân TP, tôi có dịp được tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Bích - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Qua trò chuyện, tôi thấy khuôn mặt chị bừng sáng khi nói về những người nông dân, về công tác Hội, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Thụy.
Nguyễn Thị Bích sinh ra và lớn lên ở thị trấn Trâu Quỳ, đến năm 1989, chị xây dựng gia đình và theo chồng về sinh sống tại Ngọc Thụy, từ đó chị gắn bó với địa phương, làm văn phòng, kiêm thủ quỹ của xã. Năm 2006, chị bắt đầu tham gia công tác Hội Nông dân và đến tháng 5/2007 được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. 
Trước sự vất vả, nghèo khó của không ít gia đình hội viên, chị đã cùng ban lãnh đạo hội mày mò tìm hiểu cây con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và vận động các gia đình hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau màu sang trồng chuối, ổi Đài Loan (Trung Quốc) và nhãn muộn Hưng Yên. Kết quả đã có 217 gia đình thực hiện chuyển đổi 72,4ha từ trồng rau màu cho thu nhập thấp sang trồng cây ăn quả các loại với thu nhập ước đạt từ 220 – 240 triệu đồng/ha/năm. Từ kết quả đó, Hội Nông dân Ngọc Thụy do chị làm Chủ tịch hội đã đưa phương pháp trồng rau bằng giá thể thay thế việc trồng rau truyền thống, tạo việc làm cho gia đình hội viên mất đất sản xuất do đô thị hóa.

Chị tâm niệm, để hội viên hưởng ứng, trước hết cán bộ phải gương mẫu và chị động viên người thân trong gia đình thực hiện các quy định về nếp sống văn minh đô thị, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu dân cư, gia đình chị đã đóng góp ủng hộ hơn 10 triệu đồng cùng với người dân các tổ dân phố 11, 12 nâng cấp đường giao thông, hội trường tổ dân phố.

Bên cạnh hành động, việc làm cụ thể, chị cùng với lãnh đạo hội phối hợp với các tổ chức như mặt trận, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên vận động Nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về trật tự đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; làm mái che, mái vẩy gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới giao thông. Đặc biệt, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với vai trò là Chủ tịch Hội, chị và Ban Chấp hành Hội đã phát động phong trào "Quỹ hũ gạo tiết kiệm" vì sự phát triển của hội viên nghèo.

Qua 5 năm, cán bộ, hội viên đã đóng góp ủng hộ quỹ được 320 triệu đồng. Với số tiền này, Hội đã trích 20 triệu đồng giúp nâng cấp, sửa chữa nhà dột nát cho hội viên nghèo và thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa. Chị tâm sự, để đạt được những thành quả như ngày hôm nay ngoài sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp nhịp nhàng của các đoàn thể, sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ hội viên, chị phải thực sự cám ơn gia đình, hậu phương vững chắc đã là chỗ dựa cho chị những lúc khó khăn nản lòng, ủng hộ chị trong mọi hoàn cảnh, chồng chị là người luôn thấu hiểu chia sẻ và âm thầm cùng chị gánh vác công việc, con chị luôn ngoan ngoãn, học tập tốt để chị có thể yên tâm gánh vác công việc một cách chu toàn.

Với những cố gắng nỗ lực không mệt mỏi và sự đóng góp nhiệt tình trong công tác, chị đã được Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen, được Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen, danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” và nhiều Giấy khen của quận Long Biên, phường…

Tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 của Hội Nông dân TP, chị được biểu dương và là một trong những gương điển hình tiên tiến năm 2015. Gia đình chị 3 năm liền được công nhận là gia đình Chữ thập đỏ cấp TP và nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần