Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân còn lạ lẫm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp được đề cập trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, Hà Nội đã thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) tại một số quận, như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.

Mặc dù, hiệu quả của TPL đã được khẳng định qua mô hình tại TP Hồ Chí Minh nhưng tại Hà Nội, người dân vẫn chưa nắm được nhiều thông tin về chế định này và thực tế vẫn chưa có nhiều người dân sử dụng dịch vụ tại các văn phòng TPL. 
Tư vấn cho người dân tại Văn phòng Thừa phát lại quận Ba Đình.
Tư vấn cho người dân tại Văn phòng Thừa phát lại quận Ba Đình.
 
Trong 3 năm (2010 - 2012), trung bình mỗi năm, số lượng án các cấp tại TP thụ lý tăng hơn 1.000 vụ so với năm trước. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), trong 3 năm (2010 - 2012), lượng việc, án phải thi hành là 103.903. Trong khi, toàn TP có 31 cơ quan THADS, gồm Cục THADS TP và 30 chi cục THADS các quận, huyện, thị xã với 518 cán bộ làm công tác thi hành án, 220 chấp hành viên. Bình quân mỗi chấp hành viên tại TP phải tổ chức thi hành trên 170 việc/năm, đặc biệt, một số quận như Đống Đa là 370 việc/năm, Ba Đình: 327 việc/năm, Hoàn Kiếm: 250 việc/năm, cao hơn 3 lần so với mức bình quân của cả nước. Với quy mô công việc như vậy, hệ quả là lượng án tồn đọng chuyển sang năm sau ngày càng nhiều. Trước thực trạng trên, việc UBND TP quyết định thực hiện thí điểm chế định TPL nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan trong công tác THADS trên địa bàn. Chế định TPL sẽ thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THADS; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng Văn phòng TPL Đống Đa cho biết: "Người dân vẫn đang có thói quen sử dụng các dịch vụ từ khu vực công. Kể từ khi khai trương đến nay, Văn phòng mới thực hiện lập gần 30 vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án một trường hợp. Do vậy, Văn phòng đang tìm cách phát tờ rơi, kết hợp với các quận, huyện ngoại thành hiện chưa có dịch vụ này để quảng bá dịch vụ, mở rộng hoạt động". 

Còn Văn phòng TPL Hà Nội dù hoạt động từ cuối tháng 4, nhưng tính đến nay cũng mới chỉ thực hiện lập khoảng 50 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 2 trường hợp. "Có trường hợp khi chúng tôi đến liên hệ làm việc với Văn phòng Đăng ký đất và nhà ở quận Cầu Giấy để xác minh điều kiện thi hành án, đơn vị này hoàn toàn không hề biết gì về chế định TPL và yêu cầu chúng tôi phải xuất trình hồ sơ pháp lý để kiểm tra" - một nhân viên Văn phòng TPL Hà Nội cho biết. Để tháo gỡ vướng mắc này, Văn phòng TPL Hà Nội đã kết hợp với công tác tuyên truyền của Sở Tư pháp để giới thiệu với người dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Sóc Sơn về chế định TPL. 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương khẳng định: TPL là một chế định mới nên người dân còn chưa hiểu, chưa quen sử dụng dịch vụ. Vì vậy, Sở Tư pháp đã đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tin, sử dụng dịch vụ TPL. Bên cạnh đó, Sở cũng luôn theo sát các hoạt động của các văn phòng TPL và có hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm từ khâu tổ chức, quản trị đến những vấn đề liên quan tới chuyên môn.
 
Các văn phòng TPL đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao, công việc làm được ít. Nguyên nhân do TPL là một chế định mới, nhận thức về TPL còn hạn chế dẫn đến việc chưa có nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ pháp lý này. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận nơi có văn phòng TPL nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn