Thế nhưng, tại khu nhà ở xã hội Ecohome 1, theo phản ánh của nhiều cư dân, gần 2 tháng nay họ phải dùng nước sinh hoạt có màu như chè đỗ đen, tồn ứ nhiều cặn. Mẩn ngứa vì nước… “sạch” Ngay sau khi nhận được phản ánh từ người dân, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trực tiếp "mục sở thị" nước sinh hoạt của một số hộ gia đình tại khu Ecohome 1. Qua khảo sát thực tế, tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn xuất hiện rải rác ở các tòa E1, E2, E3 và nhiều nhất tại E4. Anh M. - một người dân sống tại tòa E4 chia sẻ rất lo lắng khi sử dụng nguồn nước chung cư không đảm bảo. Vạch ống tay áo lên, anh chỉ vào nhiều nốt mẩn đỏ và cho biết cứ tắm xong là người lại ngứa ngáy, khó chịu. Trong khi đó, nhiều gia đình có con nhỏ như anh T. ở tòa E3 bức xúc: “Cuối tháng 4, tình trạng nước bị đục ngầu, đen đặc bắt đầu xuất hiện ở nhà tôi. Sau một tháng “cầm cự”, hôm nay, cả nhà tôi đã chuyển hẳn về nội để tránh nước “bẩn”. Ban đầu, nước màu vàng đục, vợ chồng tôi vẫn cố gắng sử dụng để tắm. Đến nay, khi nước đen như nước sông Tô Lịch thì ngưng hẳn vì… sợ”.
Nước bẩn tấn công các hộ gia đình đã làm cho các thiết bị lọc nước, máy giặt, bình nóng lạnh, và một số đồ dùng vật dụng khác của họ bị hư hỏng nặng nề. “Trung bình mỗi tháng gia đình tôi dùng hết hơn 30m3 nước, giá 8.669đồng/m3. Tính ra mỗi tháng mất gần 300.000 đồng tiền nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước do Ban quản lý cung cấp lại quá bẩn. Bình lọc nước gia đình tôi mới mua nhưng giờ đã ngả vàng. Ấm đun nước bằng điện đóng cục dày ở đáy. Nhà tôi giờ phải mua nước lọc để uống chứ không dám uống nước bể” - chị N, tầng 5, E4 than thở. Ban quản lý đổ vấy trách nhiệm Nhiều cư dân khu Eochome 1 cho biết, vào thời điểm ngày 22/5/2016, Ban quan lý đưa ra nhận định các đường ống bị đóng cặn lâu ngày bị bong tróc, khi các hộ dân xả nước sẽ bị cuốn trôi và xuất hiện hiện tượng bị vẩn đục. “Dù được sục rửa đường ống cấp nước một lần từ Ban quản lý nhưng nước sinh hoạt của gia đình tôi chỉ trong được lúc đó rồi “đâu lại hoàn đấy”. Đáng chú ý là nước đen ngòm chứ không đơn thuần “vẩn đục” như thông tin mà đại diện Ban quản lý cung cấp” - chị N, tầng 5 E4 phản ánh.
Trao đổi với phóng viên vào ngày 13/6, bà Bùi Thị Châu – phụ trách truyền thông của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (chủ đầu tư khu Ecohome 1) thừa nhận có tình trạng nước bị lắng, đen. Khi nhận được thông tin phản ánh của cư dân, đơn vị đã họp bàn với Ban quản trị để dùng bơm cao áp xúc xả lại đường ống cấp nước vào các hộ dân nhưng tình hình chuyển biến không khả quan. Mới đây, đơn vị tiếp tục họp bàn và xác định nguyên nhân là do nguồn nước của Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy cung cấp bị lắng cặn sắt. Để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, trong ngày 14/6, phóng viên đã có buổi làm việc với Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy. Theo Giám đốc Xí nghiệp Trần Xuân Cương: "Khi nhận được thông tin nước ô nhiễm, ngay trong sáng 14/6/2016, chúng tôi đã cử cán bộ đến kiểm tra chất lượng nước cấp cho khu Ecohome 1. Vào thời điểm 10 giờ 30, trước sự chứng kiến của đại diện Ban quản lý tòa nhà Ecohome 1 đơn vị đã kiểm tra đồng hồ tổng cấp cho khu Ecohome 1 và nhận thấy không có hiện tượng nứt vỡ, rò rỉ. Sau đó tiến hành tháo đồng hồ và lấy mẫu nước tại vị trí đồng hồ, kiểm tra bằng cảm quan nguồn nước TP không có mùi lạ, nước trong, hàm lượng Clo dư đạt 0,3mg/l. Kết luận nguồn nước cấp cho cư dân tòa nhà Ecohome 1 không có hiện tượng ô nhiễm". Tính đến thời điểm hiện tại, dù các hộ gia đình đã đề nghị Ban quản lý có văn bản chính thức trả lời về nguyên nhân hiện tượng nước đen cặn, báo cáo quá trình xử lý cũng như giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này nhưng chưa có nguyên nhân chính thức nào được đưa ra. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh những diễn biến mới của vụ việc tại các số báo sau.
Nước sinh hoạt đen ngòm nhưng nhiều hộ gia đình nhà ở xã hội Ecohome 1 vẫn đang phải sử dụng |
Kết quả thử nghiệm nước sinh hoạt mà Công ty CP quản lý tòa nhà cung cấp cho cư dân. |
Người dân hãy tự đưa mẫu nước sinh hoạt bẩn mà mình sử dụng đi kiểm nghiệm và lấy chứng nhận nguồn nước đó đạt chuẩn hay không. Từ đó, trình kết quả lên chính quyền cùng đơn khiếu nại của mình. Dùng nước sinh hoạt bẩn là tương đương với việc sử dụng thực phẩm bẩn. Hay nói cách khác là chủ đầu tư và Ban quản lý nhà chung cư sẽ có thể vướng vào trách nhiệm hình sự bởi có hành vi “đầu độc” cư dân tại đây. GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT |