Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân không đứng... bên lề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là ở khu vực Châu Á. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, năm 2011, dân số đô thị toàn cầu là 3,63 tỷ người, chiếm 52,1% dân số thế giới.

Người dân không đứng... bên lề - Ảnh 1
Dự báo trong 20 năm tới, con số đó sẽ tăng thêm gần 1,4 tỷ người, bằng 1/3 dân số đô thị hiện nay. Đây là xu thế tất yếu và cũng tạo ra sức ép rất lớn lên các đô thị về nhiều mặt: Cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường... Năm nay, kỷ niệm Ngày đô thị Việt Nam 8/11, "Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh" đã được chọn là tiêu điểm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (ảnh bên) đã có cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về những thách thức cũng như những mục tiêu hướng tới của các đô thị Việt Nam.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) giờ đây không còn là vấn đề xa lạ. Ngay cả những người dân bình thường cũng hiểu và đánh giá được mức độ ảnh hưởng của nó. Như vậy, nhận thức đã được nâng lên, do đó, hành động mới là câu chuyện của hôm nay và tương lai. Vậy, xin hỏi Thứ trưởng, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của các đô thị, Việt Nam đã có kế hoạch gì để chủ động đối phó với BĐKH?

- Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Hệ thống đô thị Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và nước biển dâng. 
Tăng cường xây dựng các công trình xanh góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đô thị Việt Nam.Ảnh: Lê Bình - Linh Chi
Tăng cường xây dựng các công trình xanh góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đô thị Việt Nam. Ảnh: Lê Bình - Linh Chi

Tác động của BĐKH đến khu vực đô thị ngày một rõ rệt, làm thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng... Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các đô thị Việt Nam phải có chiến lược, định hướng phát triển, quy hoạch phù hợp và có những giải pháp quyết liệt để nâng cao khả năng dự báo, thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài của BĐKH.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho công tác phát triển đô thị bền vững, ứng phó BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 -2020 và tầm nhìn đến 2050.

Để triển khai những đường hướng đã được xác định, Bộ Xây dựng đã và đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thích ứng BĐKH. 

Vấn đề BĐKH trở thành một nội dung không thể thiếu trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị; hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị… Từ đó, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. 

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức xây dựng "Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050" và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó BĐKH làm tiền đề triển khai các chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.

Nghị định 11/2013/NĐ-CP ra đời được đánh giá là tạo bước đột phá trong công tác quản lý đô thị. Vậy "khung" pháp lý này có tác động thế nào đến quá trình phát triển của các đô thị?

- Trong năm 2013, Nghị định 11 được ban hành, điều chỉnh toàn diện các hoạt động đầu tư phát triển đô thị bao gồm từ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng mới một khu vực đô thị cho đến bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu. Các quy định đưa ra là căn cứ pháp lý để các đô thị xác định cụ thể các khu vực phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Đồng thời, phải xác định kế hoạch cụ thể để thực hiện các khu vực phát triển đô thị đó. 

Nghị định cũng quy định việc thành lập các Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị với chức năng chính nhằm giám sát các dự án đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối hệ thống kỹ thuật ngoài hàng rào các dự án và làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khung vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch đang phổ biến hiện nay sẽ được hạn chế, khắc phục.

 
Quy hoạch và phát triển đô thị cần gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh.      Ảnh: Hải Linh
Quy hoạch và phát triển đô thị cần gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Ảnh: Hải Linh

Trong các quy định mới, đã có sự "hiện diện" của cộng đồng dân cư trong việc phát triển đô thị, người dân không còn đứng bên lề. Theo đánh giá của Thứ trưởng, điều này sẽ tác động thế nào đến các đô thị?

 - Với việc công bố các khu vực phát triển đô thị, thông tin về phát triển đô thị sẽ minh bạch hơn, các nhà đầu tư sẽ xác định rõ được các khu vực ưu tiên đầu tư. Cộng đồng dân cư cũng sẽ tham gia tích cực hơn từ quá trình lập quy hoạch cũng như chủ động thực hiện quy hoạch, hạn chế các tác động bất lợi của quy hoạch "treo". Qua đó, tài nguyên của đô thị sẽ được khai thác sử dụng một cách tối ưu, hạn chế được những tác động bất lợi của sự phát triển không có sự kiểm soát và định hướng, tạo cơ sở vững chắc để áp dụng các mô hình đô thị tăng trưởng xanh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

"Tính đến tháng 12/2012, Việt Nam đã có 765 đô thị với tỷ lệ đô thị hoá đạt 32,45%. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của cả nước, khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cho các vùng và cả nước. Tuy nhiên, phát triển đô thị tại Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng đô thị chưa theo kịp với số lượng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải chưa được xử lý ngày càng tăng. Việc sử dụng tài nguyên, năng lượng lãng phí gây mất cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường. " - Ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng