Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân ngoại thành Hà Nội tích cực chống úng cho cây trồng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đêm 19/8, cơn bão số 3 (bão Thần Sét) đã hoàn toàn suy yếu. Trong ngày 20/8, ở các huyện ngoại thành, trời đã bắt đầu hửng nắng, đôi lúc có mưa nhỏ nhưng lượng mưa và tần suất không đáng kể. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai công tác tiêu nước chống úng cho cây trồng.

Tại huyện Phúc Thọ, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện, sau cơn bão số 3, trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh đến sáng nay, bão đã làm tốc 150m2 mái tôn của trường THCS và Trường Mầm non Trạch Mỹ Lộc. Ngoài ra có hơn 380ha cây trồng ở 13 xã, thị trấn bị ngập úng, trong đó có 361ha lúa và 23,2ha rau màu (189ha lúa bị ngập sâu và 172ha bị ngập trắng).
 Nông dân xã Tân Lập, huyện Đan Phượng bơm nước chống úng cho cây trồng.
Nông dân xã Tân Lập, huyện Đan Phượng bơm nước chống úng cho cây trồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Phúc Thọ đang chỉ đạo Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ và UBND các xã, thị trấn tập trung khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời và hiệu quả. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cùng lãnh đạo huyện đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các công trình thủy lợi, các tuyến đê, kè trên địa bàn để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý tại chỗ các sự cố bất ngờ xảy ra.

Tại huyện Quốc Oai, do lượng mưa lớn trong 2 ngày 18 và 19/8 kết hợp với nước từ thượng nguồn chảy về, mực nước sông Tích lên nhanh. Mực nước đo được tại trạm thủy văn cống Vĩnh Phúc hồi 9h30 ngày 20/8 là 7,50m (trên báo động 2 là 0,3m). Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai đã ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 lần 1 trên Sông Tích. Đồng thời  yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các xã, thị trấn, trưởng các đoạn đê, các ngành và cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm những quy định khi có lệnh báo động số 2.  Ông Nguyễn Quang Thắm – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai cho biết, huyện đã yêu cầu các xã ven đê Tích tổ chức huy động lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ đê theo cấp Báo động để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.

Thống kê ban đầu cho thấy, toàn huyện Quốc Oai không có thiệt hại về người và nhà cửa do bão số 3 gây ra. Tuy nhiên có khoảng 230ha lúa bị ngập úng  tập trung ở các xã: Cộng Hòa, Đồng Quang, Cấn Hữu, Thạch Thán, Sài Sơn… Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện đã chỉ đạo vận hành tối đa 9 trạm bơm tiêu trên địa bàn như” Trạm bơm Cấn Hạ, Trạm bơm Trại Ro, Trạm bơm Cộng Hòa, Trạm bơm Đông Yên... để chống úng cho cây trồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai cũng nhận định, mực nước sông Tích sẽ còn tiếp tục lên nhanh do nước từ thượng nguồn đổ về và các trạm bơm tiêu đang vận hành đổ vào sông Tích. Hơn nữa, diễn biến thời tiết còn phức tạp, khó lường sau hoàn lưu bão. Do vậy, để bảo đảm an toàn các tuyến đê sông Tích, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, huyện Quốc Oai đề nghị các xã ven sông Tích rà soát, kiểm tra vật tư, phương tiện, lực lượng đã được huy động, thực hiện nghiêm chế độ trực, kiểm tra đê, kè, cống theo mức Báo động cấp 2 trên sông Tích và nghiêm cấm các loại xe cơ giới đi trên đê.

Tại các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức… Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại huyện cũng tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chống úng cho cây trồng sau bão số 3. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, huyện còn thành lập Tiểu ban kỹ thuật, bảo vệ đê điều, đập, tiêu thoát úng, khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất. Các thành viên Tiểu ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cơ sở triển khai khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.