Người dân phá hàng rào làm nơi buôn bán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều người khi điều khiển phương tiện lưu thông qua khu vực đầu cầu vượt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (đoạn Dốc Tam Đa) đã bức xúc phản ánh tình trạng một số hộ kinh doanh đã tự ý phá hàng rào sắt, họp chợ, kinh doanh buôn bán trên cầu vượt.

Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Làm ngơ trước vi phạm?

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực có vi phạm nhiều kéo dài từ đoạn Dốc Tam Đa (đường Hoàng Hoa Thám) tới gần giữa cầu vượt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Tại đây, một số hộ kinh doanh đã tự ý phá hàng rào sắt ngăn cách khu dân cư, đất công trường với mặt đường để làm nơi buôn bán các loại chim cảnh và thức ăn cho gia cầm. "Chợ chim" họp từ khoảng 9 giờ sáng cho tới chiều tối các ngày trong tuần, nhưng nhộn nhịp nhất là dịp cuối tuần. Dọc lề đường bên phải hướng từ Dốc Tam Đa đến cầu vượt, những hàng bán thức ăn, dụng cụ phục vụ thú chơi chim cảnh được bày bán công khai. Nhiều gian hàng lấn chiếm cả phần diện tích hành lang ATGT.

 
Tùy tiện dừng đỗ trên cầu vựơt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám để mua bán chim cảnh.
Tùy tiện dừng đỗ trên cầu vựơt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám để mua bán chim cảnh.
Theo tìm hiểu, trước đây, chợ có các phiên họp chính vào ngày 9, 19 và 29 (Âm lịch) hàng tháng. "Chợ chim" ngày trước được họp trên đường Hoàng Hoa Thám. Khi UBND TP phê duyệt dự án mở đường, xây dựng cầu vượt, chợ bị giải tán một thời gian. Nhưng sau khi cầu vượt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám hoàn tất việc xây dựng, nhiều tiểu thương lại "tìm về chốn cũ", rồi ngang nhiên phá hàng rào sắt làm nơi buôn bán các loại chim, con giống, thức ăn cho gia cầm và nhiều sản phẩm khác. Dân chơi chim cũng nhớ địa điểm cũ mà tìm tới mua bán, hoặc đơn giản chỉ để được say sưa nhìn ngắm và lắng nghe tiếng chim hót. Điều đáng nói,  những người này dường như cũng không mấy để tâm tới việc dừng đỗ ở lòng, lề đường trên cầu vượt, thậm chí, vào thời điểm đông khách, nửa diện tích lòng đường trên cầu bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân khi lưu thông qua đây.    

Điều đáng nói, các vi phạm trên diễn ra giữa ban ngày, nhưng các lực lượng chức năng của quận Tây Hồ cũng như phường Thụy Khuê không kiểm tra, xử lý?.

Sẽ bố trí chốt trực trên cầu

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Hữu Dũng - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Tây Hồ cho biết, hàng rào sắt chắn bên đường là do Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) dựng lên để tránh việc người dân họp chợ, buôn bán trên cầu. Thực tế, Đội Thanh tra GTVT quận Tây Hồ đã nhiều lần phối hợp cùng lực lượng Công an phường Thụy Khuê tổ chức ra quân, xử lý "điểm đen" về trật tự đô thị, ATGT này. Tuy nhiên, vì "miếng cơm manh áo" mà nhiều tiểu thương đã tự ý phá hàng rào sắt để buôn bán. Hễ thấy bóng dáng lực lượng chức năng là họ vội vã thu hàng vào phía trong. "Việc người dân cố tình phá hàng rào sắt để buôn bán, nếu không "bắt tận tay" thì rất khó lập biên bản xử lý" - ông Dũng nói.

Xung quanh vấn đề này, đại diện Công an phường Thụy Khuê cho biết: Đây là khu vực nằm giáp ranh giữa phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) và phường Liễu Giai (quận Ba Đình). UBND, Công an phường Thụy Khuê đã nhiều lần phối hợp với UBND phường Liễu Giai tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên, do mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được nên nhiều hộ dân vẫn tiếp tục tái phạm. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, UBND phường đã đề nghị với Ban QLDA Giao thông đô thị (chủ đầu tư dự án đường Văn Cao - Hồ Tây) tổ chức bịt các lỗ hổng rào tôn do người dân tự ý phá dỡ đồng thời công an phường sẽ bố trí lực lượng chốt trực tại khu vực để xử lý kịp thời các vi phạm.

Rõ ràng, nếu chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm các vi phạm trên cầu vượt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, sẽ rất khó để thiết lập được trật tự đô thị, nhất là khi năm 2014, được TP chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần