Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân Tokyo đối phó với khó khăn sau thảm họa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở Tokyo, hàng hóa đã trở nên khan hiếm hơn, giá cả bắt đầu tăng, điện bị cắt luân phiên, công việc trở nên bất bênh hơn...

KTĐT - Ở Tokyo, hàng hóa đã trở nên khan hiếm hơn, giá cả bắt đầu tăng, điện bị cắt luân phiên, công việc trở nên bất bênh hơn...

Hai tuần đã trôi qua kể từ sau trận động đất ngày 11/3. Hoa anh đào đã bắt đầu nở ở Tokyo.

Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị để đi ngắm hoa anh đào như mọi năm, tại thời điểm này, các cư dân Tokyo đang bận rộn chuẩn bị để đối phó với hàng loạt các khó khăn do thảm họa vừa qua gây ra.

Chị Thu Hằng, một người Việt đang công tác ở Tokyo, tâm sự: “Đến trường học của con trai, chợt nhận thấy một cây hoa anh đào nở sớm. Đáng lẽ Nhật Bản sắp bước vào một mùa xuân rất đẹp và rất vui nhưng giờ thì nhìn cây anh đào cũng buồn bã thế nào đó.”

Ở Tokyo, hàng hóa đã trở nên khan hiếm hơn, giá cả bắt đầu tăng, điện bị cắt luân phiên, công việc trở nên bất bênh hơn... Đó là một thực tế mà người dân thành phố chưa bao giờ nghĩ đến trước thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng đó.

Trước trận động đất “chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ” đó, người dân Tokyo có thể tự hào vì mình đang sống trong một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới. Bạn không bao giờ phải lo lắng về tình trạng khan hiếm thực phẩm bởi vì, hàng hóa luôn đầy ắp trên các kệ hàng tại các siêu thị hay cửa hàng ở khắp mọi nơi trong thành phố.

Bạn cũng không phải lo ngại về các vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bởi vì, Nhật Bản vẫn nổi tiếng là một trong những nước có hệ thống kiểm dịch khắt khe nhất trên thế giới. Bạn có thể uống nước trực tiếp ở các vòi nước công cộng mà không sợ bị đau bụng.

Bạn cũng không phải lo ngại về tình trạng cắt điện luân phiên như tại các thành phố lớn khác của các nước đang phát triển khác… Đây có thể là những lý do khiến nhiều người nước ngoài vẫn ao ước đến sống ở Tokyo cho dù đây là thủ đô đắt đỏ nhất thế giới (theo xếp hạng năm 2010 của công ty Mercer).

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ cái ngày định mệnh ấy. Sau trận động đất vừa qua, ở Tokyo, nhiều loại hàng hóa trước đây vẫn dồi dào nay trở nên khan hiếm hơn. Chỉ một ngày sau động đất, nhiều bà nội trợ đã phát hoảng khi “các siêu thị và cửa hàng đều trống trơn.”

Người dân Tokyo đổ xô đi tích trữ lương thực, nhất là bánh mì và nước uống, để chuẩn bị cho những dư chấn sau đó. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ngay sau khi có tin nước máy ở Tokyo có nồng độ phóng xạ cao hơn quy định.

Không chỉ lo lắng về tình trạng khan hiếm hàng hóa và rò rỉ phóng xạ, tại thời điểm này, người dân Tokyo cũng đang lo lắng tình trạng thiếu điện do nhiều nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện phải tạm ngừng hoạt động sau thảm họa kép vừa qua.

Sau trận động đất mạnh đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ, Tokyo và các tỉnh, thành khác nằm ở phía Đông Bắc và Đông Nhật Bản vẫn tiếp tục bị rung chuyển bởi 189 dư chấn mạnh (tính đến ngày 27/3), với cường độ từ 1 đến 6,3 độ.

Mặc dù vậy, những dư chấn này không còn làm các cư dân ở Tokyo sợ hãi nữa. Điều họ lo sợ lúc này chính là nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima, phía Đông Bắc Nhật Bản.

Chị Tomoko Oiishi, nhân viên công ty thiết kế đồ nội thất Gramme Co. ở Tokyo, nói: “Sau trận động đất, tôi sống trong những ngày đầy lo lắng, một phần vì các dư chấn có cường độ cao vẫn tiếp tục, một phần vì nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima I và những hậu quả của nó.”

Các sự cố liên tiếp ở 5 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy này kể từ sau thảm họa kép trên đã làm phát tán các chất phóng xạ ra không khí. Các chất phóng xạ này theo gió bay tới nhiều khu vực ở Nhật Bản.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng của nước này đã phát hiện nồng độ phóng xạ cao hơn giới hạn cho phép ở nhiều nông sản như rau và sữa bò tại tỉnh Fukushima và ba tỉnh lân cận là Ibaraki, Tochigi và Gunma.

Họ cũng đã phát hiện dấu vết của iốt phóng xạ trong nước máy ở thủ đô Tokyo và hàng loạt các tỉnh, thành khác ngoài vùng Tohoku như Saitama, Chiba, Kanagawa, Niigata và Yamanashi.

Cho dù các nhà khoa học khẳng định lượng phóng xạ trên chưa đủ để gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn không giảm trong tâm lý người dân của những khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều người lo lắng hàm lượng chất phóng xạ tích tụ trong cơ thể thông qua việc hít thở không khí và sử dụng thực phẩm và nước uống nhiễm phóng xạ sẽ tăng dần theo thời gian.

Tại Tokyo, nơi cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tới gần 220km, hôm 24/3, người ta đã phát hiện nồng độ đồng vị phóng xạ cesium trong rau Komatsuna ở quận Edogawa lên tới 890 Bq/kg, cao hơn 1,78 lần so với giới hạn cho phép.

Trước đó, ngày 23/3, chính quyền thủ đô Tokyo đã lên tiếng cảnh báo không sử dụng nước máy cho trẻ sơ sinh ở 23 quận và 5 thành phố trực thuộc sau khi họ phát hiện nồng độ iodine-131 trong nước tại nhà máy lọc nước Kanamachi lên tới 210 Bq/kg, cao gấp 2,1 lần tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi quy định cho trẻ dưới 1 năm tuổi. Chị Thu Hằng lo lắng nói: “Nếu tình hình nước niếc này tiếp diễn dài dài thì sẽ có tin có người chết vì thiếu nước.”

Chỉ một ngày sau đó, chính quyền Tokyo đã rút lại khuyến cáo trên sau khi nồng độ iodine-131 trong nước máy giảm còn 79 Bq/kg. Mặc dù vậy, nỗi lo về ô nhiễm phóng xạ vẫn còn đó.

Chị Thanh Phương, một người Việt đang công tác ở Tokyo, tâm sự: “Liên tục từ mấy hôm nay dư chấn liên tục, khoảng 6 độ, toàn ở Fukushima và Ibaraki. Tokyo cũng rung chút chút. Điện đã sáng ở lò số 3, việc khôi phục hệ thống làm lạnh vẫn cần thêm thời gian. Phóng xạ phát hiện khắp nơi, rau, nước biển, nước máy, không khí, mưa... Tuy chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe nhưng không được dùng (rau và nước máy) trong thời gian dài.”

Lo lắng về các ảnh hưởng của phóng xạ đối với trẻ em, chị Phương đã gửi hai con về Việt Nam cách đây hơn một tuần. Cũng như nhiều người khác ở Tokyo, chị hy vọng các sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1sẽ sớm được khắc phục để “trẻ con sớm được quay lại Nhật Bản.”

Trong thông điệp gửi người dân Tokyo hôm 14/3, Thị trưởng Shintaro Ishihara cho biết: “Không chỉ có các nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa, 5 nhà máy nhiệt điện cũng đã tạm ngừng hoạt động (sau trận động đất ngày 11/3). Vùng thủ đô Tokyo sẽ chỉ được cung cấp 31 triệu KW điện, thấp hơn 10 triệu KW so với nhu cầu thực tế”. Chính vì vậy, kể từ hôm 14/3, TEPCO đã bắt đầu tiến hành cắt điện luân phiên ở một số khu vực - một điều hiếm khi xảy ra ở một nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản.

Theo ông Ishihara, việc cắt điện luân phiên sẽ “gây ra hàng loạt các khó khăn cho các dịch vụ y tế và cung cấp nước sạch, đồng thời ảnh hưởng lớn tới các hệ thống giao thông và xử lý nước thải.”

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tokyo đã kêu gọi các tổ chức và cá nhân thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như hạn chế sử dụng điều hòa và các thiết bị sưởi ấm khác, sử dụng hệ thống thắp sáng ở mức tối thiểu, rút phích cắm của các thiết bị điện tử gia dụng khi không sử dụng….

Ngay lập tức, người dân Tokyo đã hưởng ứng lời kêu gọi trên bởi vì, họ lo ngại nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục kéo dài, sản xuất có thể đình đốn và việc làm trở nên bấp bênh hơn.

Nhiều tòa nhà lớn như tháp Tokyo đã tắt hệ thống đèn trang trí ở bên ngoài. Các cửa hàng tiện ích như Minimart và Seven Eleven hay các siêu thị lớn như Seibu và Takeshimaya đều tắt bớt những đèn điện không cần thiết. Nhiều ga đã tạm ngừng hệ thống thang cuốn và thang máy. Chị Oiishi cho biết: “Tại văn phòng, chúng tôi đều tắt bớt đèn điện và hạn chế sử dụng điều hòa”.

Các khó khăn vẫn đang chồng chất lên các cư dân thủ đô Tokyo sau thảm họa. Mặc dù vậy, nhiều người tin rằng với tính cách mạnh mẽ của dân tộc Nhật Bản, với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, người dân Tokyo và các địa phương khác sẽ sớm vượt qua thảm họa “để mùa hoa anh đào năm sau, màu hồng sẽ lại ngập tràn trên các con đường nơi đây.”

Một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản viết: “Tôi tin lắm, bởi trong mắt tôi, dù thời gian có thay đổi, dù thiên tai thảm họa có tàn khốc hơn, người Nhật vẫn là thế, tính cách chăm chỉ, cần mẫn và kiên cường của dân tộc Nhật vẫn là thế. Sự bất biến tuyệt vời đó sẽ đưa nước Nhật vượt qua cái vạn biến khôn lường của thiên nhiên”./.