Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người đứng đầu phải chủ động vào cuộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8, các đoàn giám sát của TP đã đi kiểm công tác cải cách hành chính  (CCHC) tại nhiều đơn vị.

Hôm qua, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã làm việc với quận Ba Đình kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ba Đình Phạm Văn Tường, hiện tại quận đang thực hiện 248 thủ tục hành chính (TTHC) cấp quận và 134 TTHC cấp phường, trong đó có 7 TTHC cấp độ 3. Tính từ 1/2015 đến 7/2016 quận đã tiếp nhận 20.940 TTHC, đã giải quyết 20.869 TTHC, tỷ lệ đúng hạn 98,4% (quá hạn là 334 TTHC, 1,6%). Nguyên nhân của việc quá hạn giải quyết TTHC do sự phối hợp trong quá trình giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, các TTHC liên thông trong lĩnh vực LĐTBXH cũng phải qua nhiều cấp, dẫn đến sự “bị động” trong hẹn trả kết quả.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với quận Ba Đình. Ảnh: Minh Hiền
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với quận Ba Đình. Ảnh: Minh Hiền
Với nhận định, đơn giản hóa TTHC về trình tự và rút ngắn thời gian giải quyết hơn so với quy định là việc luôn phải nghĩ tới trong CCHC, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ này và đạt kết quả khá tốt như ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, điều hành trực tuyến…, khiến tỷ lệ người dân đánh giá tích cực về trách nhiệm phục vụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý quận về các TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn quá thấp; việc rà soát để đơn giản hóa các thủ tục thuộc thẩm quyền chưa thực sự hiệu quả… Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Thời gian tới, quận nên tiếp tục đổi mới cách lãnh đạo chỉ đạo công việc này theo hướng quyết liệt, sát sao, thực sự người đứng đầu phải vào cuộc. Trong đó, nên lựa chọn những trọng tâm như: Rà soát thủ tục theo thẩm quyền, đề nghị rà soát thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình, giảm thời gian tối đa. Đồng thời, trên tinh thần xác định vị trí việc làm, rà soát bộ máy; phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho hợp lý, để việc có người chủ trì, rõ thời gian hoàn thành. “Quận cần có lộ trình thực hiện các chỉ tiêu trong Chương trình 08 của Thành ủy như ứng dụng CNTT, tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Đi kèm với đó, quận cần chú trọng việc kiểm tra và xử lý theo đúng quy định những trường hợp vi phạm kỷ luật công vụ. Ba Đình phải thực sự trở thành đơn vị đi đầu trong thực hiện các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong CCHC” - đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu. 

Chiều cùng ngày, đến kiểm tra công tác CCHC quận Đống Đa, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn - Trưởng đoàn giám sát số 3 đánh giá cao kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ quận đến phường với tỷ lệ trên 99%. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, dù chỉ còn rất ít hồ sơ tồn đọng, nhưng không vì thế mà hài lòng, cần phân tích rõ nguyên nhân chậm trễ để tập trung giải quyết dứt điểm, thậm chí có hình thức xin lỗi người dân, DN. “Đừng vì phần trăm nhỏ còn lại ấy ảnh hưởng đến kết quả, nỗ lực chung của toàn quận” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu quận Đống Đa tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng, tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, vừa giảm được chi phí đi lại, vừa giảm tải cho các bộ phận “một cửa” từ quận đến phường. Theo Phó Bí thư Thành ủy, nếu làm được như vậy, còn giải quyết được bài toán đang khó khăn về trụ sở của quận và phường trên địa bàn Đống Đa. Bởi lẽ, khi người dân ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện thủ tục thì không nhất thiết trụ sở cơ quan, bộ phận “một cửa” đều phải to đẹp, hoành tráng. Đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh: “Cần thiết nghiên cứu đầu tư xây dựng các trụ sở thế nào cho phù hợp, tránh lãng phí. Bởi quan trọng nhất là người dân được giải quyết các thủ tục thông thoáng, nhanh gọn”.

Tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát số 4 của Thành ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh đã ghi nhận những kết quả khả quan của ngành GD&ĐT trong việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó, đáng chú ý, từ năm 2015 - 2016, Sở đã xây dựng và thực hiện được phần mềm về giải quyết văn bằng cho học sinh, giúp thời gian giải quyết trả được bản sao văn bằng giảm còn 1 ngày, thay vì trước khi áp dụng phần mềm là 7 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn học sinh mỗi năm. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho rằng, Sở đã tích cực chủ động tham mưu UBND TP chỉ đạo hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục; song đâu đó vẫn còn những phản ánh của Nhân dân, nên Sở cần quan tâm hơn đến công tác này. Thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người, vì vậy, lãnh đạo Sở cần quán triệt thực hiện tốt theo quyết định của UBND TP, đảm bảo công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là về tính công khai minh bạch trong công tác thu đầu năm học tại các trường trên địa bàn, nếu cần thiết có thể xử lý nghiêm khắc một số lãnh đạo trường. Ngoài ra, phấn đấu tăng số lượng dịch vụ công mức độ 3, 4 thực hiện trong thời gian tới…

Tại huyện Thanh Oai, nhiều vấn đề được Đoàn giám sát số 5 đề nghị làm rõ liên quan đến  công tác lãnh đạo chỉ đạo, kết quả rà soát đơn giản hóa TTHC, song Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Trưởng đoàn giám sát Vũ Đức Bảo cho rằng trả lời của huyện chưa thực sự thỏa đáng. Một trong số đó là Thanh Oai cần khẩn trương chấn chỉnh lại hoạt động của Ban chỉ đạo CCHC các cấp, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và các lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo. Bởi lẽ, đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất mà chỉ dừng ở việc xây dựng và ban hành văn bản. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chuẩn hóa và công khai quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, minh bạch cơ chế kiểm tra giám sát và quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức về kỹ năng giao tiếp, ý thức phục vụ Nhân dân. Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm 2016, huyện Thanh Oai còn tới 139 hồ sơ giải quyết quá hạn.

Cùng ngày, làm việc với BHXH TP về công tác CCHC, Đoàn giám sát số 6 của TP do Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy làm Trưởng đoàn đánh giá: Công tác CCHC của BHXH TP có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ ở việc rút ngắn thời gian giải quyết nhiều TTHC; thực hiện tốt giao dịch điện tử (có những đơn vị đạt 67%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt 60%... Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cho rằng: Chương trình 08 của Thành ủy nhiệm kỳ này xác định cải cách TTHC là mục tiêu trọng tâm và ứng dụng công nghệ thông tin là mục tiêu quan trọng; xây dựng được đội ngũ CB, CC, VC đồng bộ và chuyên nghiệp, có ý thức kỷ luật. Đề nghị công tác CCHC của BHXH TP bám sát các mục tiêu này, trong đó chú trọng rà soát các TTHC để đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra. “Tại các xã phường, người dân đã có thể đăng ký cấp khai sinh tại nhà; cơ quan thuế cũng cho phép khai thuế ngay tại DN…, nên ngành BHXH cũng cần cố gắng để DN có thể thực hiện một số dịch vụ công ngay tại cơ quan mình. Việc nâng cao chất lượng CB, CC của BHXH TP cũng cần bám sát thông điệp của Thủ tướng là xây dựng “Chính phủ phục vụ”, nêu cao tinh thần “xin chào, xin lỗi, cảm ơn” - đồng chí Nguyễn Quang Huy yêu cầu.

Cùng ngày, Đoàn giám sát số 8 do Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương làm Trưởng đoàn đã làm việc tại quận Bắc Từ Liêm. Ghi nhận những kết quả về CCHC của quận Bắc Từ Liêm trong thời gian qua, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy nhấn mạnh: Là một trong 3 quận đã làm tốt về công tác CCHC, quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác CCHC. Quận cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; các chủ trương của TP, T.Ư. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ở bộ phận một cửa (hệ thống camera). Trong thanh, kiểm tra quận cần tập trung vào thanh tra, kiểm tra kỷ luật công vụ và quy trình công tác. Quận cũng cần quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ cán bộ ở bộ phận một cửa về chế độ đãi ngộ, nhằm động viên kịp thời và tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển cán bộ về CCHC để nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ.