Kinhtedothi - Tết Nguyên đán cổ truyền, Hà Nội vẫn được coi là tiêu biểu cho văn hóa Tết vùng Kẻ Chợ. Bởi nó mang phong cách của con người và cuộc sống nơi đây: hào hoa, phong nhã, thanh tao, lịch thiệp, thân thiện và đậm đà tính nhân văn. Nhưng phong tục tập quán dù lâu đời cũng không phải là bất biến. Nó vẫn có sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống đương đại, với điều kiện kinh tế, xã hội và với mong muốn được đổi mới. Tuy nhiên, cái phần hồn, cái cốt lõi của văn hóa Việt thì nhất thiết phải bảo tồn cho đời sau con cháu, cho thế giới hội nhập biết rằng Việt Nam – Hà Nội có một văn hóa Tết đặc sắc đáng tôn vinh.
Tết xưa
Nhân dân ta vẫn quen gọi là ăn Tết, chơi Tết. Bởi cuộc sống của đa số người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc tiết kiệm để dành tiền cho ba ngày Tết có mâm cỗ ngon trước là cúng tổ tiên, sau cháu con thụ lộc âu cũng là lẽ thường tình. Cả chuyện chơi cũng vậy, có bao thú chơi thanh cao, người ta dành cả cho mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa nâng cao các thú chơi tao nhã của ông cha.
Nói về ăn là phải nói đến cỗ Tết. Đây là dịp để các bà, các chị trổ tài nữ công gia chánh, cuộc thi đua ngầm giữa các gia đình trong họ, trong phố. Cỗ Tết của người Hà Nội xưa về cơ bản phải có đủ tối thiểu 4 món nước: bát bóng, bát mọc, bát măng, bát miến, sang hơn có gà, vịt, chim tần. Trong 8 đĩa không thể thiếu món thịt đông, giò xào, tôm he rim, cá thu hoặc cá chép kho, nem rán…
Với người Hà Nội, Tết đến bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp sau mâm cúng Tết ông Công, ông Táo. Đàn ông, con trai trong nhà có nhiệm vụ lau dọn, bao xái bàn thờ, quét vôi, sơn cửa và bày biện trang hoàng nhà cửa, còn phụ nữ thì mua sắm thực phẩm làm cỗ Tết và đặc biệt là chuẩn bị để gói nồi bánh chưng ăn Tết.
Song, để có được cái Tết to, nhất thiết không thể thiếu các thú chơi, mà chơi hoa, chơi cây, chơi tranh, chơi chữ là cần nhất. Tết Hà Nội, nhà nào cũng phải có hoa. Loại hoa được ưa chuộng nhất là hoa đào. Có đào bích, đào phai, đào bạch, đào thất thốn. Từ tháng Chạp, người ta đã lên các dinh đào Nhật Tân, Phú Thượng để tìm, chọn những cành đào ưng ý đặt trước.
Nếu hoa đào mang sắc dương xuân đầm ấm, thì người già lại thích một chậu cúc điềm đạm, khiêm tốn, thanh cao, biểu tượng cho sự giàu có về tâm hồn, mà Nguyễn Trãi ca ngợi: “Phú quý lòng hơn phú quý danh”.
Rồi mẫu đơn là vua hoa, “thiên hương quốc sắc”, hoa của sự phú quý. Người biết chơi thì lại chuộng lan, thứ “vương giả hương” không gợn chút trần tục. Có hàng trăm thứ lan, địa lan trồng dưới chậu, phong lan từ rừng xa đưa về sống bám vào khúc cây mục mà xòe ra những giỏ lan đủ hình hài, đủ màu sắc làm mê hoặc lòng người. Lại có người thích chơi cây thế. Những cây hàng trăm năm mà bị hãm chỉ cao vài chục tấc đến hơn một mét. Nào thế trực thân đứng thẳng hiên ngang, thế hoành cây ngả rạp rồi mới xòe tán, song thụ là một gốc hai cây tượng trưng cho vợ chồng hoặc cha con…
Bên hoa là tranh. Những bức tranh dân gian in trên giấy dó với gam màu tươi sáng, thắp bừng lên sắc xuân trong nhà. Nào tranh Hàng Trống khổ lớn như Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tứ bình tố nữ, Ngũ hổ…với nét vờn màu chỗ đậm chỗ nhạt là sự khác biệt giữa tranh làng Hồ, mỗi màu là một bản khắc, in chồng khớp vào nhau. Tranh làng Hồ cho ta những nụ cười hóm hỉnh trước cảnh đánh ghen, hứng dừa, thầy đồ cóc, đám cưới chuột…cũng như miêu tả mong ước của nhà nông với lợn đàn, gà đàn béo tốt.
Cũng không thể thiếu chữ. Đó là thứ chữ nho viết chân phương, thứ chữ thảo viết phóng khoáng, bay bướm. Những đôi câu đối viết sẵn nội dung chung nhà nào treo cũng được như: Minh niên tăng bách phúc/ Xuân nhật tập thiên tường (Năm mới thêm trăm phúc/ ngày xuân vạn sự lành). Không câu đối thì cũng xin thầy đồ một chữ, đại loại như: Tâm, Đức, Phúc, Lộc, Thịnh, Thọ… tùy gia cảnh để treo cầu may mắn cả năm.
Qua giao thừa là bước vào năm mới. Cả gia đình hội tụ. Con cháu làm lễ chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con, cháu rồi cả nhà thấp thỏm chờ người đến xông đất. Phải chọn người tuổi đẹp, vợ chồng song toàn, con cái ngoan ngoãn, hẹn trước để người ta đến sớm. Nếu không chọn được thì gia chủ tự xông đất nhà mình. Chọn hướng xuất hành đi ra đình, ra chùa, lễ xong xin cành lộc về xông nhà. Phong tục ta có câu: “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, nghĩa là mồng một thì đi lễ nhà thờ họ nội, mồng hai lễ nhà thờ bên mẹ, bên vợ, mồng ba tết nhà thầy (thầy dạy chữ, dạy nghề, thầy thuốc chữa bệnh cho mình và gia đình).
Phong tục tốt đẹp còn có bao nhiêu thứ kiêng như: không nói to, nói tục, không cãi nhau, không làm đổ vỡ, không cho ai vay và cũng không vay ai, mọi bất hòa trong năm cũ đều hóa giải, chỉ riêng có tục không quét nhà ba ngày Tết và bẻ cây hái lộc là hủ tục cần xóa bỏ. Đầu năm cũng là mở đầu các công việc nên nhà giáo, nhà văn, học trò có lệ làm lễ khai bút, quan lại làm lễ khai triện, nhà buôn làm lễ khai trương mở hàng, nhà nông động thổ, thợ thủ công phạt mộc.
Mồng năm trở đi các gia đình hóa vàng tiễn gia tiên trở lại cõi âm, mọi sinh hoạt trở lại bình thường và rủ nhau đi các hội xuân: hội làng, hội đền, hội chùa, hội phủ, hội quán gần xa nô nức tưng bừng khắp đó đây.
Thời bao cấp, Tết đến ngoài việc cán bộ, công nhân được tăng thêm vài cân gạo nếp, vài lạng thịt và một túi hàng có hộp mứt, gói chè, vài bao thuốc lá, túi kẹo có năm thêm 1 miếng bóng bì, chai rượu mùi, nắm miến dong… Gia đình nào có họ hàng ở quê nhờ gói cho vài ba chiếc bánh chưng, đụng nhau 1 phần lợn. Nhiều nhà ở Hà Nội cũng tự nuôi lợn, gà có thêm thực phẩm bồi bổ sức khỏe cho cả nhà. Vì vậy mà lợn gà leo lên ở tầng 4, tầng 5 chung cư gây tắc cống, ô nhiễm môi trường, biết đấy mà cũng không cấm được.
Tết chống Mỹ, Hà Nội vẫn đầy hoa. Hoa bên cạnh hầm trú ẩn, hoa bên trận địa pháo, hoa trong mọi nhà. Chợ hoa tết Hàng Lược vẫn đông vui. Tù binh phi công Mỹ giải đi qua vẫn rất ngạc nhiên về tính cách của người Hà Nội: anh hùng, bất khuất nhưng cũng rất mực phong nhã, hào hoa, thanh lịch.
Đó là nói về Tết xưa của người Hà Nội. Tết của đoàn tụ, cố kết gia đình, ai đi làm ăn xa cũng phải trở về quê hương ba ngày Tết.
Tết nay, Tết hội nhập
Tết của thời đổi mới, hội nhập ngày càng rộng với quốc tế, cuộc sống của nhân dân ngày một nâng cao, người Hà Nội lại nhớ về phong tục tập quán xưa. Tuy nhiên, các bà, các chị không còn lo vất vả như xưa, mua bán gì cũng có dịch vụ ăn theo, mua gà mổ, làm lông, làm lòng tại chỗ, cá cũng vậy. Siêu thị, nhà hàng mọc lên như nấm, chỉ mất vài giờ đã mua hết cho cái tết sang trọng. Bánh chưng bây giờ bán quanh năm, Tết chỉ cần đặt trước là dân làng Thanh Khúc, Thanh Trì cung cấp bánh đặc biệt qua các đại lý đến người tiêu dùng. Hoa đâu chỉ có Ngọc Hà, Nhật Tân, Phú Thượng, Tây Hồ, Tây Tựu mà còn bao làng hoa mới xứ Đoài và đất Hà Đông xưa. Có cả một làng hoa lan Đông La với đủ loại địa lan, phong lan. Hàng trăm làng cây thế, có cây vài trăm triệu đồng, thỏa sức mua sắm.
Nhưng có một sự thay đổi đặc biệt của Tết hội nhập. Đó là xu hướng đi du lịch đón Xuân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa của đất nước. Gia đình nào có điều kiện thì tổ chức đi du lịch ở nước ngoài nhân kỳ nghỉ Tết,… Có rất nhiều cách ăn Tết, chơi Tết khác nhau trong thời buổi hội nhập quốc tế. Nhưng dù có đi đâu, ăn Tết ở đâu, người Hà Nội vẫn giữ cái nếp đoàn viên hội ngộ trong những ngày Tết cổ truyền. Và đó là phong tục văn hóa truyền thống của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.