Người Hà Nội sống thích ứng, an toàn với dịch Covid-19

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thích ứng và có cách làm phù hợp để “sống chung” với dịch là vấn đề đang được nhắc đến nhiều hiện nay, bởi từ thực tế trong nước cũng như thế giới, việc khống chế tuyệt đối được dịch bệnh dường như là chưa thể.

Sau đợt dịch này lại đến một đợt dịch khác, nhiều khi không thể đoán trước, không thể dự báo, do đó, quan điểm phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên thể hiện một cách nhìn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Linh hoạt giải pháp trong từng thời điểm
Theo các chuyên gia, việc có những giải pháp linh hoạt “chung sống” thích ứng với dịch trên một chiến lược lâu dài trong giai đoạn mới là rất cần thiết, bởi tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Nhiều giải pháp đã được gợi mở từ thực tế, trong đó quan trọng nhất ngoài đẩy nhanh tiêm vaccine, rất cần cộng đồng thay đổi những thói quen, hành vi, nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19.

“Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân” - như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh. Bởi khi Covid-19 “tấn công” sẽ gây ra tình trạng kinh tế bị đình đốn, không sản xuất được, không lưu thông hàng hóa được, kéo theo hậu quả rất đáng lo là thu nhập người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp cao, gây bất ổn xã hội.
 Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại chung cư 170 Đê La Thành, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Việc xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp thực tiễn, trước hết cần những giải pháp trên tinh thần làm mạnh, làm nghiêm để “cắt đuôi dịch” và tính đến những phương án tiếp theo dài hơi hơn. Phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở; lấy xã phường làm pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, cộng với việc giãn cách xã hội để xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng sẽ bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các “vùng đỏ”, “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh”, tích cực điều trị… là những giải pháp phù hợp và mang đến hiệu quả tốt.

Theo GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam), việc phân chia tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thành các F và phân chia các vùng có nhiễm, nguy cơ nhiễm Covid theo các vùng đỏ, vàng, xanh là những sáng tạo. Cần làm sao cho 2 loại phân chia này có sự gắn kết với nhau hơn nữa. Như tại Hà Nội, việc TP lựa chọn biện pháp giãn cách xã hội sớm, lấy xã phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ phòng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để sàng lọc F0 trong cộng đồng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Ở giai đoạn đầu, TP không giãn cách, phong tỏa tràn lan, mà áp dụng phương châm “khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp những nơi có ca mắc”, cùng với thần tốc trong truy vết, xét nghiệm, cách ly... đã giúp Hà Nội vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy sản xuất. Trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn, cùng với xuất hiện một số ca mắc trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao, nếu không áp dụng biện pháp chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay từ ngày 24/7, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội từng bước kiểm soát dịch bệnh khi số ca mắc đang giảm dần theo từng ngày đã cho phép Hà Nội thay đổi chiến lược chống dịch theo 3 vùng, thực hiện từ ngày 6/9/2021, để vùng vàng, vùng xanh có thể từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tạo miễn dịch cộng đồng

“Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”, đó là những quan điểm đã được đưa ra và cần các giải pháp dài hơi hơn, bởi chắc chắn không thể quét sạch tuyệt đối F0. Trong đó, như các nhà khoa học đã khẳng định, điều kiện tiên quyết tới chung sống an toàn với virus là phải tiêm vaccine cơ bản cho toàn bộ đối tượng theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, vaccine là quan trọng nhất, quyết định thành công của việc chống dịch, đảm bảo an toàn tính mạng bền vững cho Nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi nguồn vaccine đang còn chưa đủ, cần sự phân bổ ưu tiên vùng và đối tượng hợp lý nhất có thể. Chiến lược tiêm vaccine cũng phải căn cứ vào nguy cơ bùng phát bệnh. Phải tìm những nơi có nhiều nguy cơ bùng phát dịch để tiêm vaccine cho cộng đồng.

Tại Hà Nội, khi dịch chưa thực sự bùng phát mạnh, với sự giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế, TP đã bước đầu thực hiện chiến lược vaccine hiệu quả. Đúng với tinh thần “thần tốc”, từ ngày 8 - 15/9, trên cơ sở số vaccine được phân bổ, Hà Nội đã huy động tổng lực với sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện T.Ư; 12 tỉnh, thành miền Bắc với 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên, cùng góp phần triển khai tốt kế hoạch. Với 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động cả ngày lẫn đêm trong 7 ngày đêm, đến 18 giờ ngày 15/9, TP Hà Nội có hơn 5,1 triệu người cần tiêm chủng, đạt tiến độ 87,5% trên tổng số vaccine được cấp.

Nhiều chuyên gia nhận định, chiến dịch tăng tốc tiêm chủng vaccine của TP Hà Nội những ngày qua rất thành công. Trong một thời gian ngắn, những mục tiêu đặt ra tưởng như khó có thể hoàn thành đã hoàn thành tốt. Với đa số người dân được tiêm mũi 1, sẽ góp phần ít nhiều tạo ra miễn dịch cộng đồng, làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đây là cơ sở quan trọng để từ trưa ngày 16/9, TP nới lỏng dần một số dịch vụ ở 19 quận, huyện chưa phát hiện các ca F0 tính từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 20 của UBND TP.

Việc chuẩn bị, tăng cường năng lực đáp ứng y tế theo phương châm “4 tại chỗ” như: Năng lực xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm gắn với điều tra dịch tễ; các khu cách ly, thu dung phân loại ban đầu; năng lực điều trị tại bệnh viện, tại nhà, từ sớm… cũng là giải pháp được chú trọng. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc điều chỉnh về chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả, “tinh thần là dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”… sẽ mang lại hiệu quả tốt. Theo GS.TS. Đỗ Tất Cường (Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, chống độc Việt Nam), việc tăng cường năng lực điều trị ngay từ những tầng dưới, phát huy tối đa mạng lưới y tế cơ sở, sẽ giảm tỷ lệ diễn biến nặng phải chuyển lên các tầng cao hơn.

Việc kiểm soát được dịch bệnh trên nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả; kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác, chính là cơ sở để dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng.

"Đến ngày 15/9, Hà Nội cơ bản tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, từ điều kiện này, việc mở cửa dần các hoạt động xã hội là tất yếu. Trước đây, chúng ta không chấp nhận có virus trong cộng đồng, nhưng hiện nay chúng ta đã và phải chuyển sang chiến lược “chung sống” với dịch một cách an toàn. Công cụ để thực hiện điều đó là vaccine +5K, phương tiện chữa trị, biện phát phát hện, xử lý kịp thời khi có dịch. Công cụ quan trọng khác để sống chung an toàn với dịch đó là phát huy ý thức người dân, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong phòng chống dịch.

Với điều kiện hiện nay, Hà Nội có thể nới dần những hoạt động sản xuất ít có nguy cơ lây nhiễm, hoặc có lây nhiễm cũng không tạo ra nguy cơ bùng phát cao..., đồng thời chủ động trong việc phòng chống dịch một cách an toàn, có biện pháp sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có F0, có điều kiện chăm sóc, chữa trị nếu phát sinh dịch." - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân - PGS.TS Hoàng Văn Cường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần