Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người làm công tác hành chính phải biết sử dụng thành thạo máy tính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 28/5/2013 về việc tổ chức cuộc thi viết “Tìm kiếm sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính thành phố Hà Nội năm 2013”.

Đây là việc cần làm ngay và phải làm thường xuyên giữa việc “Tìm kiếm sáng kiến” và vận dụng vào thực tế để kịp thời “Cải cách thủ tục hành chính” cho phù hợp với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Tại thời điểm tháng 8/2013, tôi xin nêu một ví dụ: Cụ bà Nguyễn Thị Đ. sinh năm 1924, là công nhân nghỉ hưu năm 1980, năm nay 90 tuổi. Cụ có chồng là Phạm Đình Đ., sinh năm 1916, đi Nam tiến năm 1945, nghỉ hưu và chết năm 1990. Năm 2002, cụ bà Nguyễn Thị Đ. mua căn nhà cấp 4 ở xã Cổ Nhuế, quận Cầu Giấy và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở (số đỏ) mang tên bà Nguyễn Thị Đ.

Nay, tuổi đã cao, chẳng còn sống được bao lâu nữa, cụ đi làm thủ tục thừa kế, chia tách quyền sử dụng đất cho các con. Đi làm thủ tục thì cơ quan chức năng đòi hỏi:

    1. Giấy đăng ký kết hôn của 2 cụ (lấy nhau từ thời Pháp thuộc, mấy ai còn giữ được).

    2. Giấy chứng tử của chồng (trong khi số hộ khẩu ghi chết năm 1990).

   3. Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của cụ bà (từ năm 1990, từ khi chồng chết đến nay, cụ bà không kết hôn với ai, trong số hộ khẩu cũng không ghi ai là chồng) v.v…

Những gì cơ quan chức nămg đòi hỏi gia đình phải gắng sức tìm kiếm, không tự tìm kiếm được thì phải thuê dịch vụ. Rồi cũng phải đủ, thật vất vả.

Từ một vụ việc cụ thể trên, tôi xin đề xuất: Cần tập hợp những cán bộ có năng lực, có trình độ, kinh nghiệm… để soạn thảo, xuất bản ra các văn bản, quy định cụ thể về giải quyết các vụ việc có sự thống nhất từ Trung ương đến tỉnh/thành phố, tới quận/huyện, phường/xã, thôn/tổ dân phố. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn mọi người hiểu và cùng làm theo vì đó là những điều cơ bản, phổ thông, thiết thực nhất đối với đời sống của mỗi người dân. Chọn người và mở lớp đào tạo cán bộ giỏi về lý thuyết, thạo về vận dụng giải quyết những vụ việc theo từng ngành, từng cấp thống nhất trong toàn thành phố. Người giỏi về công tác chuyên môn, hành chính ở cấp phường thì đề bạt lên quận… theo ngành dọc. Người yếu kém cần bồi dưỡng hoặc thay thế. Cán bộ lãnh đạo ở từng cấp phải giỏi về nghiệp vụ hành chính để chỉ đạo và điều hành người làm công tác hành chính của từng ngành ở cấp mình.

Người làm công tác hành chính phải biết sử dụng thành thạo máy vi tính – khai thác và lưu trữ các số liệu về con người và các cơ sở vật chất của xã hội. Cán bộ lãnh đạo các cấp cùng với người làm công tác hành chính cấp mình phải xây dựng bằng được các số liệu cần thiết để đưa vào bộ nhớ của máy tính theo từng chuyên ngành…nhằm phục vụ cho từng yêu cầu của công việc.

Trở lại ví dụ trên: Người làm công tác hành chính chỉ cần chỉ cần bấm vào mã số của bà cụ là máy đưa ra các dữ liệu cần thiết về năm sinh, nơi ở, sơ yếu lý lịch, chồng, con… Các công việc khác cũng tương tự như ví dụ trên.

Vậy, sáng kiến duy nhất về cải cách thủ tục hành chính của tôi là: Người làm công tác hành chính phải biết sử dụng thành thạo máy tính, phải biết cập nhật các số liệu, cụ thể, chính xác, đưa vào kho lưu trữ. Khi cần khai thác được ngay. Đó là cách nhanh nhất, chính xác nhất, đỡ gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Tất nhiên, khi xây dựng các tiêu chí, số liệu cũng rất khó khăn, phức tạp, song phải làm bằng được để công tác hành chính đáp ứng được với yêu cầu xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.