- Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan tại buổi làm việc với Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam Justyna Pabian.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, từ năm 2018 đến nay, các DN Việt Nam đưa khoảng 1.400 người lao động đi làm việc tại Ba Lan. Đặc biệt, trong năm 2022, số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại Ba Lan là 551 lao động, chiếm 40% tổng số lao động làm việc tại thị trường này từ năm 2018 đến nay.
Lao động Việt Nam làm việc tại Ba Lan trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, với những ngành nghề chủ yếu là thợ hàn, thợ xây, thợ sơn, công nhân chế biến thực phẩm, vệ sinh công nghiệp, thợ làm bánh...
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ, phần lớn lao động Việt Nam tại Ba Lan có việc làm và thu nhập tương đối ổn định. Lao động Việt Nam thích nghi nhanh với điều kiện sống và làm việc tại Ba Lan. Đến nay có 24 DN đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ba Lan.
Tuy không phải đất nước có mức lương hấp dẫn như một số quốc gia khác tại Châu Âu nhưng so với nhiều nước châu Á, tại thời điểm này thì Ba Lan là thị trường tiềm năng để người lao động cân nhắc và lựa chọn.
Nhằm tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực lao động và xã hội, năm 2022, Bộ LĐTB&XH và Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan cùng trao đổi, thảo luận xây dựng “Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐTB&XH nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội nước Cộng hòa Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội”.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị bà Justyna Pabian thông tin, trao đổi cụ thể với Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan sớm chọn thời điểm phù hợp để hai Bộ ký Bản ghi nhớ chào mừng kỷ niệm 75 năm Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 – 2025).
Liên quan đến việc cấp thị thực (visa) cho lao động Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị bà Justyna Pabian và các cộng sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tạo thuận lợi trong việc đăng ký, phỏng vấn và cấp visa cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại Ba Lan trong thời gian tới.
Trước đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, bà Justyna Pabian cho rằng, thực tế rất nhiều DN Ba Lan có như cầu cần tuyển dụng lao động Việt Nam vào làm việc, bởi họ được đánh giá cao về tính chăm chỉ, tuân thủ pháp luật.
Thủ tục cấp visa của Ba Lan cũng giống như các nước thành viên trong Liên minh châu Âu và Ba Lan là thành viên nên cũng bị hạn chế bởi nguyên tắc chung của EU. Bà cũng cảnh báo tình trạng có nhiều môi giới visa để lừa gạt người lao động.
Với cương vị là Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam, bà Justyna Pabian khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của hai bên để chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tới đây được thuận lợi và đạt kết quả cao. Đồng thời, bà sẽ có những đề xuất các cơ chế triển khai cho hợp tác về lao động, góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác đốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Ba Lan.