Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lao động - doanh nghiệp “chê” nhau

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay người tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ vay vốn cho tạo việc làm, làm kinh tế gia đình từ rất nhiều nguồn vốn nhưng số người được giải quyết vay vốn vẫn chỉ mới khoảng 1.400 người với số tiền 8,3 tỉ đồng.

KTĐT - Hiện nay người tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ vay vốn cho tạo việc làm, làm kinh tế gia đình từ rất nhiều nguồn vốn nhưng số người được giải quyết vay vốn vẫn chỉ mới khoảng 1.400 người với số tiền 8,3 tỉ đồng.

Hơn 4.000 người tái hòa nhập cộng đồng chưa có việc làm, hơn 5.000 người lao động tự do, không ổn định và hơn 2.000 người không biết đi đâu. Bên cạnh những nỗ lực trong công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, vẫn còn rất nhiều khó khăn tồn tại, khách quan lẫn chủ quan.

Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết trong danh sách gần 11.000 người tái hòa nhập cộng đồng thực quản lý tại địa phương, chỉ 65% có việc làm. Dù TP đã đề ra khá nhiều giải pháp hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng  nhưng hầu như vẫn chưa phát huy được hiệu quả cần có.

Người lao động - doanh nghiệp “chê” nhau

Đơn cử, hiện nay người tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ vay vốn cho tạo việc làm, làm kinh tế gia đình từ rất nhiều nguồn vốn (quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ dự án nước sạch, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ của Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS và các nguồn quỹ đoàn thể...) nhưng số người được giải quyết vay vốn vẫn chỉ mới khoảng 1.400 người với số tiền 8,3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hơn 65% số người có việc làm lại là lao động tự do, công việc không ổn định - một trong những nguyên nhân dẫn đến tái nghiện cao.

Vấn đề này được các cơ quan chức năng và địa phương lý giải: Thứ nhất, do người tái hòa nhập cộng đồng không có tay nghề, trình độ thấp và sức khỏe yếu nên không đáp ứng được năng suất sản xuất, khó lọt vào “mắt xanh” của doanh nghiệp; thứ hai, do bản thân người tái hòa nhập cộng đồng không thích ràng buộc và “chê” mức thu nhập trong xí nghiệp, cơ sở sản xuất quá thấp nên cũng không “mặn mà” với công việc.

Ngay cả cụm công nghiệp Nhị Xuân được thành lập để thu hút, giải quyết việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng nhưng cũng kém sức thu hút khi đến thời điểm hiện tại chỉ có gần 100 người tái hòa nhập cộng đồng làm việc tại đây.

Trong số 4.000 người chưa có việc làm, hiện có 230 người đang học văn hóa, học nghề. Con số quá ít so với số lượng các trung tâm, cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng tại TP; 650 người sức khỏe yếu không thể tham gia lao động; số còn lại chê thu nhập thấp, không có tay nghề hoặc không có nhu cầu tìm việc làm.

Địa phương bị động

Ngày 26-10-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy.

Trong đó nêu rõ nội dung quản lý sau cai gồm các nội dung: quản lý, hướng dẫn chống tái nghiện, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng...  Trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan liên quan: định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra xét nghiệm chất ma túy, hằng tháng tổ chức họp kiểm điểm, nhận xét, đánh giá quá trình phấn đấu rèn luyện cho người sau cai... Nhưng thực hiện triệt để quy định này có lẽ là điều “không tưởng” đối với tình hình hiện nay của TP.

Đến cuối năm 2008, TP đã giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho 19.165 trường hợp, trong đó số được tiếp nhận, quản lý và giúp đỡ tại các phường, xã, thị trấn gần 17.000 người. Tuy nhiên, hiện nay số người có trong danh sách quản lý tại địa phương chỉ khoảng 11.000 người, trong đó có gần 2.000 người đã bỏ địa phương đi không khai báo. Thống kê mới nhất của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho thấy đứng đầu số lượng người bỏ đi là quận 4 với 290 người/1.269 trường hợp được giải quyết tái hòa nhập cộng đồng, tỉ lệ này ở quận 8 là 260/1.428, quận 1 là 169/1.285... Chỉ đến khi đối tượng phạm pháp bị bắt tại các nơi khác và gửi danh sách về thì địa phương mới biết.

Danh sách tái hòa nhập cộng đồng  về cụm công nghiệp Nhị Xuân hơn 1.500 người, đến nay chỉ còn chưa đầy 100, số còn lại đi đâu không ai nắm được, lãnh đạo cụm công nghiệp Nhị Xuân cho biết do không có cơ chế ràng buộc giữa doanh nghiệp và lao động cũng như giữa cụm công nghiệp và người lao động nên việc người tái hòa nhập cộng đồng  bỏ đi cụm công nghiệp cũng không quản được.

Đến cuối năm 2009, TP có 976 người tái nghiện, nâng tổng số người tái nghiện từ đầu của kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng cho đến nay là 2.342 người, tỉ lệ 18,86%.

Không quản được do chính quyền quá tải?

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, nhận định: “Do chính quyền địa phương hiện quá nhiều công việc nên rất khó quản lý chặt chẽ người sau cai.

Về nhân sự, mỗi phường đều có một cán bộ phụ trách quản lý người sau cai nhưng phần lớn kiêm nhiệm, làm nhiều việc nên không thể sâu sát được.

Tổ cán sự xã hội tình nguyện làm rất tốt nhưng cũng quá tải vì đa số là thành viên của các đoàn thể, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, ít người nhưng phải kèm quá nhiều người nên quán xuyến không nổi.

Bên cạnh đó, hiện nay đến 47% người nghiện ma túy trên địa bàn TP là người từ các tỉnh đổ về, tôi nghĩ thông tư hướng dẫn Nghị định 94 nên quy định rõ về sự phối hợp giữa các địa phương, cụ thể là các tỉnh, thành với nhau trong việc quản lý người sau cai.

Đồng thời, các địa phương phải kiểm tra chặt chẽ những người đến cư trú trên địa bàn mình, tránh để xảy ra trường hợp vi phạm xảy ra mới biết có “người lạ” ở trong nhà mình”.