Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lao động phải tự “cứu mình”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, hàng loạt DN, nhất là ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử... đang có xu hướng sa thải lao động dưới tuổi 35, nhất là lao động nữ. Đây là một vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay.

Hậu quả đầu tư thu hút lao động giá rẻ
Theo điều tra của Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam mới đây, hiện đang tồn tại tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động ngoài 30 tuổi phải nghỉ việc vì nhiều lý do. Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn Việt Nam Vũ Quang Thọ nhìn nhận, việc người lao động (NLĐ) trên 35 tuổi bị sa thải chính là sự đổ vỡ từng phần, từng mảng và có nguy cơ đổ vỡ toàn phần của thị trường lao động. Vấn đề này có thể để lại hệ lụy không nhỏ, trước mắt chỉ có vài trăm người mất việc, nhưng lâu dài có thể lên tới hàng triệu.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được ông Thọ chỉ ra. Đó là hệ quả của việc thu hút đầu tư, chú trọng lao động giá rẻ với công nghệ thấp. Hiện nay, để cạnh tranh với thị trường nước ngoài, các DN thay đổi công nghệ, khả năng NLĐ không còn phù hợp, nên bị đẩy ra ngoài. Thứ nữa, tay nghề của NLĐ rất thấp, trình độ kém, ý thức kỷ luật lại chưa cao. Ông Thọ cũng cảnh báo, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mặc dù chưa lấn lướt ở tất cả các ngành nghề, DN, nhưng sẽ tràn vào Việt Nam. Khi đó lao động giá rẻ không còn thích hợp, bởi nếu tiếp tục chỉ tạo gánh nặng cho thị trường việc làm và nền kinh tế. Xét về bản chất, đó là hậu quả khó tránh khỏi của một thị trường lao động bị phân mảng và chưa hoàn hảo ở nước ta. Trong khi DN thực hiện đúng pháp luật lao động, còn Nhà nước không thể can thiệp hành chính vào thị trường lao động.

Người lao động nên học nghề thứ hai

Thực trạng NLĐ bị sa thải ở tuổi trên, dưới 35 rất đáng báo động và ảnh hưởng đến các quyền lợi của họ cũng như chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm. Bởi theo ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khi NLĐ bị đưa ra khỏi DN, rất khó có cơ hội tìm được việc làm mới ở khu vực có quan hệ lao động. Họ thường phải vào làm việc ở khu vực phi chính thức và không tham gia bảo hiểm xã hội. Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập cho rằng, điều quan trọng nhất là NLĐ phải tự nâng cao tính năng động, khả năng thích ứng thị trường lao động, sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp khi cần thiết để “cứu mình”. Điều này đồng nghĩa phải nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của sản xuất để DN không thể sa thải. Mặt khác, cho dù đang làm việc, nhưng NLĐ cũng phải chuẩn bị nghề thứ hai để có khả năng chuyển tìm việc khác. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” có chính sách khuyến khích DN đảm bảo việc làm ổn định, lâu dài cho NLĐ thông qua hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản xuất phụ trợ; cũng như hỗ trợ NLĐ trên 35 tuổi bị sa thải học nghề thứ hai, tìm việc làm để nhanh chóng trở lại thị trường lao động.

Nhưng nhiều chuyên gia lại đề nghị Chính phủ quy định chủ đầu tư vào Việt Nam, nếu không gặp vấn đề khủng hoảng, phải có hợp đồng 30 – 35 năm. Trong Bộ luật Lao động cần nêu rõ, nhà đầu tư vào Việt Nam phải cam kết sử dụng lao động ít nhất 20 – 25 năm để có thể sống được bằng lương sau khi đã nghỉ việc. Tất nhiên, nếu NLĐ không đáp ứng được yêu cầu của guồng quay công nghiệp, họ sẽ phải ra khỏi bộ máy sản xuất.