Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lính cuối cùng trong đội quân đầu tiên của Tướng Giáp đã đi xa

TRÚC MAI (Ghi chép)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau chiến thắng giòn giã ở 2 trận đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần, ông tham gia cướp chính quyền ở Bắc Cạn. Ngày 2/9/1945, ông vinh dự đứng tại Quảng trường Ba Đình để nghe Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sinh ra trong một gia đình nghèo người dân tộc Tày ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vào năm 1922. Thuở nhỏ ông đã bất hạnh khi vừa lên 6 thì bố mất. Mẹ ông phải gồng gánh nuôi ba con nhỏ, trong đó có ông – Tô Đình Cắm (hay còn gọi Tô Văn Cắm, Tô Tiến Lực) – 1 trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ - Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) – và cũng là người lính cuối cùng của Đội quân này đã đi vào cõi vĩnh hằng vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 14/7/2017, sau những oanh liệt của cuộc đời làm cách mạng…
Ký ức trận Phai Khắt, Nà Ngần
Từng có dịp ngồi trong căn “Nhà tình nghĩa” tại thôn 8B thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng xây tặng cho cụ. Được nghe cụ kể về cuộc đời làm cách mạng, việc cụ vinh dự cùng 33 đồng chí khác tham gia lễ thành lập Đội VNTTGPQ vào ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) dưới sự chủ trì của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
  Cụ Tô Đình Cắm, người lính cuối cùng trong Đội VNTTGPQ
Thời điểm năm 2015, dù cụ đã 93 tuổi, một bên tai bị lãng nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về những kỷ niệm của 2 trận đánh đầu tiên khi Đội VNTTGPQ vừa được thành lập, cụ Tô Đình Cắm hào hứng kể lại bằng tiếng Tày: Lúc đó cả xã Tam Kim, châu Nguyên Bình chỉ có 2 người vinh dự được chọn vào Đội VNTTGPQ là ông Đặng Tuần Qúy và cụ Cắm. Đội vừa được thành lập 2 ngày, theo lệnh của anh Văn (cách xưng hô thân mật mà tất cả các chiến sĩ của Đội dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp – PV), chiều 24/12/1944 toàn Đội xuất quân đánh đồn Phai Khắt ở xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình. Cả Đội đi bộ từ chiều cho tới sáng hôm sau mới dừng quân tại một quả núi sau bản Phai Khắt để nghe ngóng. Khi biết tên quan Tây cùng một số lính đã lên châu dự lễ Giáng sinh, đến chiều 25/12/1944, cả Đội cải trang chia làm 2 tốp xuống núi tiến vào bản. Lúc đó các đồng chí Thu Sơn, Sắt và Nguyên cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi trước, anh Văn mặc bộ kaki đóng giả cai Đội. Đến cổng đồn, đồng chí Thu Sơn hỏi tên lính gác: “Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?”. Lính gác vừa trả lời quan Tây không có nhà, đồng chí Thu Sơn chìa tờ giấy có đóng dấu (giấy giả - PV) rồi cả Đội đi thẳng vào đồn nhanh chóng tiếp cận nơi để súng, bao vây nhà lính. Chuẩn bị xong đâu đó, đồng chí Thu Sơn hô to “tập hợp”. Lập tức 16 lính và 1 tên cai ra đứng giữa sân. Chỉ chờ có thế, toàn Đội chĩa súng vào lính đồn, đồng chí Thu Sơn hô lớn “chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không bị giết, giơ tay lên. Do bất ngờ nên 17 lính trong đồn đầu hàng.
“Sau đó có tin quan Tây cưỡi ngựa cùng vài lính đang trên đường về đồn, anh Văn quyết định bắt sống. Bố trí xong đâu đó, anh Văn dặn khi quan Tây vào, anh Văn sẽ hô “giơ tay lên”. Nếu nó giơ tay thì xông ra bắt sống. Có lệnh mới được nổ súng. Khi tên quan Tây vào đồn và vừa xuống ngựa, anh Văn hô to “giơ tay lên”. Trong lúc quan Tây chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị một đồng chí trong Đội nổ súng bắn chết tại chỗ vì quá căm thù tội ác của hắn. Trận này, Đội thu được 17 khẩu súng, 1 ít đạn, diệt tên quan Tây, bắt 17 lính. Thu dọn xong chiến trường, cả Đội lại hành quân suốt đêm đến đánh đồn Nà Ngần cách Phai Khắt khoảng 25 km. Sáng 26/12/1944, chúng tôi cải trang thành lính khố xanh, khố đỏ áp giải “3 Cộng sản Mán” (từ chỉ người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc – PV) để giao cho quan. Khi đã vào đồn, bước lên nhà sàn, một số đồng chí tiến đến án ngữ giá để súng. Sau đó nổ súng tiêu diệt 5 tên, bắt 17 lính, thu 1 thanh kiếm, 27 súng và nhiều đạn. Tất cả lính đầu hàng đều được anh Văn cho về quê sinh sống”, cụ Cắm kể.
“Chú phải sống lâu để đánh Tây”
Tôi hỏi trong thời gian tham gia du kích ở xã Tam Kim cho đến khi được chọn vào Đội VNTTGPQ, cụ có bao giờ được gặp Bác Hồ? Nghe đến đây, mắt cụ Cắm sáng rỡ, và chậm rãi nói: “Lúc còn hoạt động bí mật, tôi được gặp Bác Hồ nhiều lần lắm. Có lần Bác Hồ căn dặn tôi: Chú (ông Cắm – PV) còn thanh niên, còn khỏe, phải sống thật lâu để đánh Tây. Khi vào du kích tôi phải sống trong rừng, ruộng lúa ở nhà chỉ có mẹ già chăm sóc. Thời điểm đó tên mật thám Tổng đoàn tên Thức treo giải cho thuộc cấp nếu ai lấy được đầu của tôi hoặc em trai tôi sẽ được thăng chức và thưởng thêm 300 kg muối. Đến mùa lúa trổ bông, ruộng nhà mẹ không ai gặt, tôi đánh liều về nhà giúp mẹ thì bị lính khố xanh phát hiện truy đuổi, tôi phải nhảy xuống vũng bùn để trốn. Vì nhớ lời Bác Hồ căn dặn, tôi cố chịu đựng cái lạnh trong bùn và cơn đói từ sáng cho tới chiều, chịu để đỉa hút máu khắp cả người để không bị địch phát hiện rồi trốn thoát”.
Ngoài việc tham gia đánh hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở màn cho hàng loạt chiến thắng vang dội sau này của QĐND Việt Nam góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Theo lời cụ Cắm, sau khi Đội VNTTGPQ ra đời, anh Văn còn lập ra tờ báo “Tiếng súng reo” để phát thanh thế của Đội và mở rộng công tác tuyên truyền cách mạng trong nhân dân ở các tỉnh Cao – Bắc – Lạng. “Lúc đó hoạt động bí mật, không có máy đánh chữ nên tờ báo được viết bằng tay. Do chữ đẹp nên tôi được anh Văn chọn viết báo bằng tiếng Tày rồi phát để bà con đọc, tuyên truyền, vận động, lôi kéo người dân theo cách mạng”, cụ Cắm kể.
Tháng 8/1945, trong khí thế sôi sục của cách mạng, cụ Cắm cùng đồng đội của mình tham gia cướp chính quyền tại Bắc Cạn. “Ngày 2/9/1945, tôi lại được vinh dự đứng tại Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”, cụ Cắm nhớ lại. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta một lần nữa, năm 1946 ông Cắm theo đoàn quân “Nam tiến” vào tận Kiên Giang chiến đấu rồi bị thương, giải ngũ về quê làm ruộng. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, một lần nữa ông Cắm lại xung phong ra trận, được phong chức Trung đội trưởng pháo binh. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, ông bị thương nặng rồi giải ngũ, một năm sau lấy vợ và sinh được 7 người con (2 trai, 5 gái).
“Năm 1992, ở quê nghèo quá, không có đất sản xuất nên nhiều gia đình bỏ xứ vào Nam lập nghiệp. Thấy họ lần lượt rời quê, tôi cũng đưa vợ cùng 4 người con vào huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Tại đây cả gia đình mua được gần 2 ha đất trồng lúa để sinh sống. Sau này, qua nhiều nguồn, anh Văn biết tôi còn sống nên đã chỉ đạo quân đội giúp đỡ, xây nhà tình nghĩa, tặng bàn ghế…, tôi cũng được công nhận thương binh…”, trước khi về với cõi vĩnh hằng - cụ Tô Đình Cắm – Người lính cuối cùng trong Đội VNTTGPQ – đã kể câu chuyện có hậu về cuộc đời theo cách mạng của mình.
An táng cụ Cắm ở nghĩa trang thôn theo nguyện vọng
Ông Tô Đức Tuân (con trai cụ Cắm), cho biết từ tháng 3/2017, cụ Cắm phải điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Quân y 7A (TP.HCM). Tháng 6/2017, gia đình đưa cụ về nhà an dưỡng. Việc tang lễ cụ Tô Đình Cắm do UBND huyện Đạ Tẻh và Bô Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng tổ chức từ ngày 17/7, sau đó an táng cụ vào ngày 18/7 tại nghĩa trang thôn theo nguyện vọng của cụ.