Sáng 17/10, dọc quốc lộ 1A từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Bình, nước lũ dâng trắng xóa hai bên đường. Nhiều người dân chèo ghe hàng chục km từ nơi nhà bị chia cắt ra các khu chợ mua thức ăn, vật dụng. Với người dân miền Trung, dù mưa lũ đã quá quen với họ nhưng trên những khuôn mặt họ vẫn không dấu nổi sự mệt mỏi, lo lắng. Tại huyện Hải Lăng, rốn lũ của tỉnh Quảng Trị, hàng chục chiếc ghe đậu kín cạnh tỉnh lộ 8B để họp chợ, mua thức ăn. Nhìn về phía biển Mỹ Thủy, hàng nghìn ngôi nhà đang ngập sâu trong lũ.
Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, toàn huyện có gần 9.000 nhà bị ngập, nhiều nơi bị ngập sâu 2 mét. Riêng một số nơi như Hải Lâm, Hải Sơn và Hải Chánh nước ngập sâu ngang đỉnh lũ năm 1983. Cơ quan chức năng đã phải di dời gần 1.500 hộ với trên 4.000 nhân khẩu tại 18 xã đến nơi an toàn. Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Hải Tân vừa loay hoay với chiếc ghe chở theo mấy bó rau từ nhà ra chợ họp tạm bên quốc lộ 1A bán vừa xuýt xoa vì mưa lạnh. Nhà chị mới thu hoạch xong lúa vụ mùa, còn hoa màu bị lũ đánh dập. "Mưa lũ về bất ngờ quá, chúng tôi không dự trữ được nhiều lương thực nên sau hai ngày sống chung với lũ, nhiều người đã phải chèo ghe cả chục cây số ra huyện mua thức ăn về", chị kể. Xã Hải Thành có trên 500 hộ dân thì gần 90% nhà dân bị ngập. Đồ đạc đã được người dân di chuyển lên nóc nhà, mọi sinh hoạt đều phải đứng trong nước lũ. Ông Lê Quyền, thôn Trung Đơn, cho biết lũ lên nhanh từ đêm 15/10. “Thấy nước lên, tôi cùng vợ và 4 đứa con đã trắng đêm lo dọn dẹp đồ đạc, kê giường cho thêm cao, đưa gia súc gia cầm lên những đoạn đường cao hơn căng bạt nuôi tạm chờ nước rút. Vậy mà đã ba ngày nay nước lũ vẫn chưa rút. Trên mưa, dưới nước, điện lại không có, cực quá”, ông Quyền than.
Người dân phải chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ và sinh hoạt trong điều kiện khó khăn. Ảnh: Nguyễn Đông |
Giúp dân chạy lũ, có những người đã nằm lại giữa dòng nước chảy xiết. Trưa 16/10, em Trương Công Minh (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) tham gia vào lực lượng của xã đi xử lý sự cố trần đập Miếu Bà, khi trở về, Minh bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Vật lộn giữa dòng nước chảy xiết, Minh kiệt sức rồi mất tích. Đến chập choạng tối, thi thể của chàng trai 17 tuổi được tìm thấy. Ngày 17/10, lãnh đạo huyện đã xuống thăm hỏi và hỗ trợ gia đình 4,5 triệu đồng.
16h30 ngày 16/10, anh Trương Thanh Tâm, 28 tuổi (thôn 4, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vận động bà con đưa trâu bò lên cao tránh lũ. Trên đường về anh Tâm bất ngờ bị điện giật, ngã xuống dòng nước lũ đỏ ngầu, để lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ, đứa lớn năm nay mới lên 3 tuổi. Tân Hóa là rốn lũ của huyện Minh Hóa (Quản Bình), hồi đầu tháng 10, bà con nơi đây cũng phải chạy lũ sống trên lèn đá suốt 3 ngày. Anh Tâm là một trong những người chèo thuyền đưa bà con thôn 4 vượt lũ. Ông Hồ Bá Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa giọng nghèn nghẹn bảo: “Tâm là đứa nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Cũng vì lo cho dân mà chàng trai trẻ đã ngã xuống”. Ngày 17/10, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đã lên đỉnh và bắt đầu rút. Trong khi đó, lũ sông Hương và các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi còn tiếp tục lên. Trao đổi với PV, ông Văn Phú Chính, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết đã chuẩn bị 24.000 thùng mỳ ăn liền, 54 tấn gạo tẻ, 18.000 chai nước lọc, 19.000 lít xăng, 19.000 lít dầu sẵn sàng cung ứng khi các địa phương có yêu cầu.
Đến trưa 17/10, tổng số nhà bị ngập, sập, hư hại ở miền Trung lên đến trên là 23.500, tập trung ở Quảng Bình và Quảng Trị. Trên 600 ha hoa màu bị hư hại. Mưa lũ đã làm 7 người chết và mất tích. Một số hồ chứa thủy điện đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết như Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên Huế); Yaly, Pleikrông (Kon Tum); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Buôn Kuốp, Serepok 3, Buôn Tua Srah (Đăk Lăk). |