Đại dịch Covid-19: Người Mỹ đã biết sợ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân Mỹ liệu đã hiểu rõ thực trạng nguy hiểm của đại dịch Covid -19, khi chính quyền liên tục đưa ra hàng loạt kế hoạch triển khai khẩn cấp để ngăn chặn lây nhiễm, và rộng hơn là “đón đầu” một cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng?

Nhiều chính trị gia Mỹ đã công khai so sánh dịch Covid-19 hiện nay với đại dịch cúm năm 1918, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những thông điệp cảnh báo đó đã đến được với tất cả người dân Mỹ hay chưa, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Đây là nhóm người được xem đóng vai trò quan trọng trong công tác ngăn chặn một đại dịch đang lan nhanh như cháy rừng, và có thể đến một lúc nào đó sẽ khiến hệ thống y tế Mỹ bị quá tải.
Chẳng hạn tại San Francisco, người dân vẫn vô tư đi dạo, trượt patin và tụ tập trên phố, bất chấp khuyến cáo của chính quyền rằng mọi người nên ở trong nhà, hạn chế di chuyển tối đa. 
Nền kinh tế Mỹ có thể sụp đổ
Trong cuộc chiến “cấp cứu” nền kinh tế Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về hậu quả có thể xảy đến nếu như Quốc hội nước này không hành động. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lên tới 20%.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về dịch bệnh Covid-19 hôm 18/3 tại Nhà Trắng.
Viễn cảnh kinh hoàng như vậy sẽ vượt xa khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức đỉnh điểm chỉ là 9,9%. Trước nhiều tín hiệu cho thấy đại dịch lần này còn có thể kéo dài, Nhà Trắng đang tìm mọi cách để ngăn nền kinh tế Mỹ rơi xuống vực thẳm.
Một gói kích thích kinh tế trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD - bao gồm kế hoạch chi cho mỗi người Mỹ trưởng thành 1.000 USD trong 2 tuần tới - đánh dấu sự vượt trội so với Đạo luật Phục hồi (Recovery Act) từng giúp Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái vào năm 2009.
Hiện tại, chính quyền các bang của nước Mỹ đã bắt đầu chỉ thị đóng cửa hàng quán, nhà hàng, rạp chiếu phim. Nhiều hãng hàng không cắt giảm hoạt động, trong khi loạt chuỗi cửa hàng mua sắm chìm trong bóng tối. Không khí này như đang thổi bay sinh khí của một nền kinh tế đã duy trì hơn 1 thâp kỷ phát triển nóng.
Tổng thống Donald Trump trước đây từng tìm cách trấn an dư luận trước sự nguy hiểm của bệnh Covid - 19, nay cũng đã phải thay đổi giọng điệu. “Tôi đã cảm thấy đây là một đại dịch từ trước khi nó được công bố là đại dịch” - ông chủ Nhà Trắng nói về chủng virus Corona mới mà trước ông từng mô tả cũng chỉ như dịch cúm thông thường và sẽ sớm biến mất.
Tổng thống Trump giờ đây đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, khiến từng lời ông nói hay câu chữ mà ông tweet đều được soi xét kỹ lưỡng, khiến thị trường chứng khoán không ít lần “vui - buồn” lẫn lộn. Rõ ràng, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều quan tâm liệu “ông lớn” Mỹ có thực sự sẵn sàng đương đầu với cơn bão này hay không.
Khi số ca bệnh Covid-19 tại Mỹ tăng thêm hơn 1.500 người sau 24 giờ, với số ca tử vong quá mốc 100 người, Tổng thống Trump kêu gọi người dân “chiến đấu với kẻ thù vô hình”.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley mới đây cảnh báo người Mỹ “sắp phải chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia”. Trước khi gói kích thích hơn 1.000 tỷ USD được Quốc hội xem xét thông qua, Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số hôm 18/3 đã phê chuẩn một dự luật, kích hoạt hơn 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19. Nó bao gồm các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền Mỹ đã dần hiểu rõ sự nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng cường quốc hàng đầu thế giới vẫn còn không ít vấn đề chưa thể giải quyết lúc này: Thiếu nguồn cung trang thiết bị cho đội ngũ y tế, thiếu máy thở, và thiếu giường bệnh để có thể tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng vọt sắp tới.
Cuộc chiến dài hơi 
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói rằng, sẽ phải mất nhiều tuần lễ nữa mới có thể đánh giá xem liệu các biện pháp tự cách ly hiện nay có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hay không. Bình luận này là một tiếng chuông báo động, bởi nó dẫn ra khả năng nền kinh tế Mỹ có thể suy sụp trong vài tuần, trong khi khoảng thời gian mà tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
“Từng trải qua sự kiện ngày 11/9, sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tôi nghĩ rằng người dân Mỹ hiện nay còn lo lắng hơn về tương lai và sức khỏe, về khả năng tài chính của họ, hơn nhiều so với trong các cuộc khủng hoảng trước” - Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nhắc lại các cuộc khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử Mỹ để nhấn mạnh về mức độ nghiêm trọng của đại dịch hiện nay.
Trong khi Nhà Trắng đang ra sức triển khai chương trình ứng phó dịch - như xét nghiệm, công tác bảo vệ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch, kêu gọi tài trợ khẩu trang cho các nhân viên y tế… - thì các nỗ lực được đánh giá dường như vẫn chưa đủ. Thống đốc Đảo Rhode, Gina Raimondo cho rằng các địa phương vẫn chưa cảm nhận được điều gì rõ ràng, rằng chính quyền cần phải tăng cường phản ứng và cung cấp cho các bang “thứ mà họ cần để chống lại cuộc khủng hoảng trên diện rộng”.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, lên tiếng cảnh báo về khả năng thiếu giường tại các bệnh viện. Ông cho biết, riêng tiểu bang New York cần tới 37.200 giường bệnh trong khu điều trị tích cực, trong khi hiện tại họ chỉ có 3.000 giường.
Ông Cuomo cũng kêu gọi các bác sĩ và y tá đã về hưu trở lại làm việc để hỗ trợ chính quyền và người dân trong thời điểm cấp bách lúc này. Vấn đề thiếu thốn giường bệnh cũng chính là một trong số những lý do khiến các nhà lãnh đạo ở Mỹ yêu cầu người dân tự cách ly để hạn chế lây nhiễm.
Bước ngoặt bầu cử Mỹ?
Lịch sử chính trị Mỹ đã chứng minh, một nền kinh tế “ốm yếu” thời điểm này thực sự là tin xấu đối với Tổng thống Donald Trump, cho tham vọng tái tranh cử vào tháng 11 tới. Suy thoái hiện tại hoàn toàn có thể đánh bay mọi ấn tượng của cử tri về thời điểm kinh tế mạnh mẽ trước đó, khi tỷ lệ thất nghiệp Mỹ ở mức thấp kỷ lục trong 50 năm qua. Xu hướng này đã được ghi nhận trong nghiên cứu của các nhà chính trị học đến từ UT-Austin, liên quan đến tính thời điểm trong mối quan hệ giữa kinh tế và bầu cử Mỹ, cho thấy việc các cử tri chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế trong năm bầu cử chứ không phải trước đó.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã giành chiến thắng áp đảo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 mà người Mỹ quy cho chính quyền đương nhiệm. Sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ sau suy thoái cũng đã từng đưa đến thất bại cho cựu Tổng thống George Bush trước cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1992. Một cuộc suy thoái nhẹ năm 1980 cũng đã đủ khiến Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Jimmy Carter, thất bại vào cuối năm đó.
Và như nắm rõ quy luật này, ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ Joe Biden, sau khi liên tiếp giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ mới đây, đã chuyển hướng vào đại dịch, được lồng ghép trong các thông điệp gửi tới cử tri Mỹ.
“Đây là thời khắc mà những quyết định, lựa chọn của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng lớn tới điều sẽ xảy ra đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh” - cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu.

“Từng trải qua sự kiện ngày 11/9, sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tôi nghĩ rằng người dân Mỹ hiện nay còn lo lắng hơn về tương lai và sức khỏe, về khả năng tài chính của họ, hơn nhiều so với trong các cuộc khủng hoảng trước” - Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nhắc lại các cuộc khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử Mỹ để nhấn mạnh về mức độ nghiêm trọng của đại dịch hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần