Đây là hai trong số rất nhiều các hoạt động nhằm khẳng định dấu ấn của bóng đá Nhật Bản tại Việt Nam.
Chơi đẹp như Nhật Bản
Cách đây vài tháng, đại diện ngoại giao của Nhật Bản thông qua đại gia truyền thông Dentsu đã có những tiếp xúc với VFF để tổ chức các trận đấu giao hữu quốc tế.
Họ đảm bảo sẽ mang đến Việt Nam những đội bóng mạnh nhất với những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Nhật Bản. Và thực tế, trong bản danh sách sang Việt Nam là Kawasaki và Kashima Antlers với những ngôi sao trứ danh của bóng đá Nhật Bản như: Inamoto, Okubu, Igawa (Kawasaki), Koji Nakata, Mitsuo Ogasawara, Masashi Motoyama, Takuya Honda, Gaku Shibasaki (Kashima Antlers).Mang “hàng hiệu” đến Việt Nam, các đội bóng Nhật Bản còn gây thiện cảm cho đối tác bằng cách, không đưa ra bất cứ đòi hỏi nào về tài chính.
Kashima Antlers được biết đến là đội bóng giàu thành tích bậc nhất J-League (Nhật Bản) với 7 lần vô địch.
Đây chính là điểm khác biệt giữa các đội bóng Nhật Bản và các đối tác khác của VFF. Số là trước đây, để được thi đấu với những đội bóng mạnh của nước ngoài, VFF phải chi tiền mua vé máy bay, phí ra sân và phí ăn ở…
Chưa hết, đối tác Nhật Bản còn giúp VFF trong việc tuyên truyền cho trận đấu cũng như chuyển sóng truyền hình ra nước ngoài. Điều này sẽ giúp VFF giành được thiện cảm từ các nhà tài trợ vốn đa phần có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Tính đường dài như Nhật Bản
Được biết, trận đấu giao hữu giữa B.Bình Dương và Kawasaki là kết quả của sự hợp tác chiến lược giữa hai tập đoàn là Tokyu Corporation và Becamex IDC Corp.
Hai doanh nghiệp này ký thỏa thuận hợp tác để cùng hợp tác phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong phạm vi tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Trận đấu giao hữu này là cơ hội vàng để họ quảng bá cho sự hợp tác của mình.
Bên cạnh việc bắc cây cầu kinh doanh, tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận, thì việc hàng loạt các đội bóng Nhật Bản đến Việt Nam còn cho thấy những con tính lâu dài. Đó là việc quảng bá cho giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J.League).
Cái đích mà những nhà kinh doanh Nhật Bản muốn hướng đến là bóng đá Nhật Bản sẽ có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ Việt Nam. Và một khi nó trở thành món ăn được ưa thích như bóng đá Đức, Pháp, Tây Ban Nha, hay Italia thì cơ hội kiếm tiền sẽ đến. Tiền đó đến từ việc bán bản quyền truyền hình và khai thác quảng cáo cho các công ty Nhật Bản vốn hoạt động rất rầm rộ tại Việt Nam.
Thế mới biết, người Nhật không chỉ coi bóng đá là cơ hội để làm thương hiệu cho nền bóng đá, cho doanh nghiệp mà còn vươn đến tầm quốc gia. Và quan trọng hơn, họ đi những bước vô cùng bài bản, có tầm nhìn. Nó rất khác với cách làm bóng đá có phần nóng vội, đốt cháy giai đoạn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.