Giới công đoàn đặt tên là "Ngày Hành động" để chống chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Do chưa thống nhất được đường lối tranh đấu chung, các nghiệp đoàn lao động không kêu gọi tổng đình công. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận công nhân, 10% trong ngành bưu điện, 20% trong ngành vận tải công cộng bãi công gây ít nhiều xáo trộn trên các tuyến tàu hỏa nội địa và cho hệ thống xe điện ngầm, xe buýt tại thủ đô Paris.
Một trong số những biện pháp tiết kiệm ngân sách của chính phủ bị chống đối là tăng thuế bổ sung bảo hiểm y tế, giảm số công chức. Nhưng điều làm công nhân bất bình nhất là tiền lương bị kìm hãm và bất công trong việc chia sẻ lợi nhuận, không đúng như luật pháp qui định. Nhiều doanh nghiệp lớn lãi hàng trăm triệu euro, song chỉ chia cho nhân viên vài chục euro và dành phần lớn nhất chia cho cổ đông. Mặt khác, trong bối cảnh giá sinh hoạt tăng, người dân có mức thu nhập thấp yêu cầu chính phủ phải tăng các khoản trợ cấp xã hội.
Giới chuyên gia cho rằng, càng "thắt lưng buộc bụng", càng khiến bất ổn xã hội ngày thêm gia tăng. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Ed Glaeser, xác suất xảy ra bất ổn càng cao tại vùng đa chủng tộc. Tương tự, thất nghiệp cũng làm gia tăng khả năng xảy ra bạo động. Trung bình mỗi năm một nước nghiên cứu xảy ra 1,5 vụ. Nước nào càng thắt lưng buộc bụng càng xảy ra nhiều vụ bất ổn. Khi tỉ lệ cắt giảm hơn 3%, số vụ bạo động tăng 200%. Xu hướng này mạnh nhất ở Anh, hễ cắt giảm 1% thì bất ổn xã hội tăng nhiều hơn so với các nước khác. Điều quan trọng nữa, chính sách thắt lưng buộc bụng thường đi kèm với suy thoái kinh tế và thất nghiệp càng làm bạo động thêm tệ hơn.