Người ra đi tác phẩm ở lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Quang Sáng, rồi Tô Hoài, giờ lại đến lượt Anh Đức, làng văn chương Việt năm nay cứ phải liên tục tiễn đưa những "cây đại thụ" của mình về với đất mẹ.

Người ra đi tác phẩm ở lại - Ảnh 1
Ai cũng hiểu đó là quy luật của tạo hóa, ai cũng biết trước điều này sẽ đến bởi nhà văn Anh Đức đã ốm mệt mấy năm nay. Nhưng, khi phải chia tay tác giả của "Hòn đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện"… chẳng phải người thân, bạn bè, đồng nghiệp mà những người chỉ biết ông qua các trang viết cũng bùi ngùi tiếc nuối.

Đi đến tuổi 79 là nhà văn Anh Đức đã vượt qua được một trận phong ba bệnh tật. Ông đã từng bị tai biến mạch máu não, dẫn đến hôn mê sâu suốt 4 năm dài. Thế mà ông đã vượt qua được tình trạng ấy để trở lại với đời thường, với mỗi buổi sáng ngồi bên chiếc bàn đá trước cửa nhà đọc báo hàng ngày, để quan tâm đến văn chương, tác phẩm của bè bạn… Người tâm huyết với văn chương là thế, ở chặng cuối của cuộc đời với bạo bệnh sát bên, nhà văn Anh Đức vẫn không thể lơi là thời cuộc, tác phẩm. Câu hỏi thường trực với các nhà văn của ông vẫn là: "Giờ đang viết gì? Gần đây có cuốn nào hay không?". Và ông đặc biệt ưu ái các cây bút trẻ, bởi từ lâu lắm, ông đã quan niệm đó là tương lai của văn học nước nhà. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn không thôi thao thức những câu hỏi thân quen ấy…
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ cầm bút sáng tác, vào ra chiến trường, sống trong vùng lửa đạn, mới thấy văn chương với Anh Đức đúng là duyên nghiệp. 22 tuổi ông đã có tập truyện ngắn đầu tay "Biển động" mà chẳng qua một trường lớp đào tạo nào. Nhà văn Đoàn Giỏi chính là người đã tìm thấy giọng văn Bùi Đức Ái (tên thật cũng là tên viết văn ban đầu của Anh Đức) trong những ngày vừa làm báo Cứu quốc Nam bộ, vừa "tập tọe" viết văn. Giải thưởng văn nghệ Cửu Long thời điểm này là minh chứng cho con người sinh ra để viết văn ấy. 
Người ra đi tác phẩm ở lại - Ảnh 2
Trên văn đàn Việt, Anh Đức được coi là cây bút đặc sắc của đất và người phương Nam. Chẳng phải vì ông sinh ra ở miền sông nước An Giang, mà dấu ấn đọng lại trong văn chương của ông là hơi thở cuộc sống vùng đất phương Nam, nổi bật với những hình tượng người phụ nữ và nông dân Nam Bộ chân chất, kiên cường. Mấy chục năm rồi, nhắc đến tên Anh Đức là người ta nhắc ngay đến chị Tư Hậu, chị Sứ - những nhân vật được gọi tên như những điển hình văn học, đã rạng ngời trên cả những thước phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đi vào cả những trang sách của học trò phổ thông… Bao nhiêu năm rồi, người yêu văn chương vẫn giữ trong trái tim một phong cách viết lách điềm đạm và thanh thoát. Ông viết về chiến tranh đầy tính kiên cường và sự tự hào, nhưng không hề thi vị hóa cuộc chiến. Truyện ngắn của ông cũng không có những cốt truyện gay cấn, nhưng lại "cao tay" trong cách dựng và sử dụng chữ, tình huống hấp dẫn. "Hòn đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Bức thư Cà Mau", "Giấc mơ ông lão vườn chim", "Đứa con của đất"… là thế, bình dị nhưng đầy tính nhân văn. Chính vì những đóng góp cho văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh ấy mà năm 2000, nhà văn Anh Đức đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng tác phẩm để đời "Hòn đất" của ông đã được tái bản trên chục lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản…

Trái tim của nhà văn phương Nam ấy đã ngừng đập, làng văn Việt lại bùi ngùi tiễn đưa một cây đại thụ văn chương về với đất mẹ. Song chắc chắn những "Hòn đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Bức thư Cà Mau"… sẽ mãi đứng như những cây cổ thụ trong rừng văn chương Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần