Theo báo cáo kết quả giám sát, mặc dù số người dân tham gia BHYT tăng từ 58,2% lên 66,8%, nhưng nhiều người đã có thẻ BHYT lại không muốn dùng thẻ này để khám chữa bệnh (KCB). Nguyên nhân do thủ tục phức tạp, rườm rà, lại bị gây khó dễ nên nhiều người dù có thẻ nhưng vẫn bỏ tiền túi ra để khám bệnh.
Nhóm tự nguyện, hộ cận nghèo tham gia thấp
Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012, ĐB Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, quy định việc cấp thẻ BHYT sau 10 ngày phải xong, nhưng thực tế có khi phải sau nửa tháng hoặc 1 tháng mới nhận được thẻ. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) phàn nàn, có 50% người có thẻ BHYT bắt buộc khi được hỏi đều trả lời: Nếu không bắt buộc họ không tham gia "bởi xếp hàng chờ làm thủ tục thì chực chờ hàng giờ đồng hồ chưa đến lượt, trong khi chỉ được khám trong vòng vài phút". Người có thẻ BHYT không được đối xử công bằng. Việc chi trả bảo hiểm cũng rất lâu, thủ tục khó khăn và thậm chí chi trả không đủ.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường.
|
Cũng theo các ĐB, báo cáo giám sát cho thấy số ca trái tuyến tăng quá nhanh. Tuy nhiên, cần thấy rằng quá tải chủ yếu tập trung ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, phải điều chỉnh BHYT làm sao cho phù hợp với người dân và địa điểm dân cư.
ĐB Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, những hạn chế về chuyên môn, tình trạng chậm cải thiện về y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công, đặc biệt một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây đã làm giảm sút lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội. "Tôi cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu về hai vấn đề là: Cần đầu tư xử lý quá tải và y đức" - ĐB Phạm Thị Hải đề nghị.
Chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế
Giai đoạn 2009 - 2012, ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ khoảng 70% số đối tượng tham gia BHYT, chiếm 42% tổng số thu của Quỹ BHYT. Số tiền NSNN "nộp" cho Quỹ BHYT tăng mạnh từ 4.537 tỷ đồng năm 2009 lên 10.732 tỷ đồng năm 2010 và 16.937 tỷ đồng vào năm 2012. Trong khi đó, Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng.
Các ĐB nhận xét, Quỹ BHYT kết dư còn do tình trạng quản lý kém. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 - 2012, các cơ quan chức năng phát hiện trên 700.000 thẻ BHYT cấp trùng. Còn năm 2013, qua kiểm tra tại 8 tỉnh, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện trên 332.000 thẻ BHYT cho người nghèo bị trùng, kiến nghị thu hồi NSNN 114 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, một nguồn lực NSNN rất lớn đang bị sử dụng không hiệu quả.
Nhiều hạn chế cũng được nêu ra như các hình thức lạm dụng quỹ, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện như: Lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với Quỹ BHYT...
Và mặc dù Quốc hội nhiều lần có ý kiến nhưng cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra các giải pháp hợp lý, hiệu quả về tổ chức đấu thầu, cung ứng thuốc phục vụ KCB BHYT, nhất là các biện pháp quản lý về giá thuốc... Theo ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), trong lúc đất nước còn rất nghèo, sức khỏe của người dân chưa được đảm bảo, nhưng nguồn lực lại đang bị phân tán, số kết dư lớn là vấn đề đáng quan tâm.
ĐB Bùi Thị An đề nghị, khi kết dư tăng thì cần tăng mức chi khám bảo hiểm chữa bệnh cho người dân được hưởng, giảm mức đóng góp cho người tham gia, hoặc một phần kết dư này trả lại cho các tỉnh không chi hết để đầu tư cho tuyến dưới. ĐB Bùi Thị An cho rằng, hiện chất lượng KCB BHYT chưa cao, thủ tục rườm rà khiến số người mua bảo hiểm tự nguyện còn thấp (khoảng 33,2% người dân chưa tham gia BHYT).
Cần quy định người có thẻ thì được đến tất cả các cơ sở y tế để KCB mà không cần làm các thủ tục rườm rà, mất thời gian. Do đó, cần phải dành kinh phí để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới.