Là người con đất đảo và có nhiều tâm huyết với cây tỏi Lý Sơn, anh Nguyễn Văn Định (sinh năm 1981), ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã có cách làm khác biệt để tạo ra tỏi “sạch”.
|
Thu hoạch tỏi sạch tại diện tích trồng thử nghiệm của anh Định |
“Tình trạng lạm dụng phân hóa học để bón, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bảo vệ cây trồng khỏi bị bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hiện nay diễn ra khá phổ biến. Vì vậy khi chọn mua sử dụng, người tiêu dùng hướng đến các loại nông sản sạch. Điều đó giúp tôi nảy sinh ý tưởng trồng tỏi sạch”, anh Định nói.
Sau khi tìm hiểu trên sách, báo và tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm, anh Định quyết định làm thí điểm mô hình tỏi “sạch” bằng cách chọn dùng mùn rác hữu cơ của nhà máy rác sinh hoạt huyện Lý Sơn, thay vì sử dụng phân hóa học để bón như truyền thống. “Ngoài lớp phân mùn (để rải giữa 2 lớp đất thịt và cát trước khi xuống giống mua với giá 600 đồng/kg) với số lượng sử dụng 500-700 kg/sào, trong quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch chỉ tưới nước, không sử dụng thêm bất kỳ loại phân hóa học, thuốc BVTV để bón thêm”, anh Định chia sẻ.
Theo anh Định, phương thức này vẫn có những yêu cầu khắt khe như: Việc tưới nước hàng ngày phải diễn ra vào sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, lượng nước tưới nhiều và thường xuyên hơn phương thức thông thường.
Sau 5 tháng trồng và chăm sóc, 6 sào tỏi (500m2/sào) trồng thí điểm bằng phương pháp trên của anh Định phát triển khá tốt và đã cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt từ 500-700 kg tươi/sào, tương đương sản lượng trồng theo cách truyền thống, không những thế lại giảm chi phí chăm bón.
“Vì sử dụng phương pháp “sạch” để chăm sóc nên trong quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch chỉ tưới nước, không sử dụng thêm bất kỳ loại phân hóa học, thuốc BVTV để bón thêm. Vì vậy tính tổng chi phí đầu tư theo kiểu trồng này khoảng 8 triệu đồng/sào/vụ, giảm từ 40-60% so cách trồng truyền thống”, anh Định cho hay.
|
Tỏi được bón bằng mùn rác cho sản phẩm không kém tỏi canh tác theo phương pháp thông thường |
Hiện tại, mô hình này đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Anh Quân, một khách hàng đến từ TP Quảng Ngãi thích thú: “Thật bất ngờ là tỏi dù được sử dụng mùn rác thay phân bón nhưng vẫn sinh trưởng tốt, củ to không kém so với tỏi được trồng theo cách thông thường”.
Hiện tại, anh Định là người tiên phong trong việc canh tác tỏi “sạch”. Sau khi thử nghiệm thành công và cho hiệu quả tốt, anh Định dự kiến sẽ phát triển mô hình này thông qua việc liên kết với các hộ dân trồng tỏi.
“Trong thời gian đến, tôi sẽ tăng diện tích và liên kết với một số hộ dân trên đảo mở rộng trồng theo hướng mới này. Vì suy cho cùng, dùng mùn rác thay phân hóa học trong trồng tỏi lợi nhiều hơn hại, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng”, anh Định nói.