Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin hạt hướng dương chứa chất teo não

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tin Trung Quốc phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chứa chất dễ gây teo não làm nhiều người lo lắng. Nhưng đến nay, ngành y tế vẫn chưa có cảnh báo chính thức đến người tiêu dùng mà phải chờ kết quả xét nghiệm.

Trong vài năm nay, khi hạt dưa bị phát hiện nhiễm chất độc Rhodamine B có thể gây ung thư, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng hạt hướng dương. Tuy nhiên, phần lớn hạt hướng dương trên thị trường hiện nay không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khảo sát của phóng viên tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm cũng như các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các cửa hàng chủ yếu bán loại hạt hướng dương có vỏ màu đen, bán theo cân khá đắt hàng, có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại. Là dân văn phòng, trong tủ của chị Nguyễn Thu Hồng (quận Đống Đa) lúc nào cũng sẵn gói hướng dương. Lúc rảnh rỗi, chị cùng mọi người lại bỏ ra cắn, uống nước chè. "Từ khi nghe thông tin hướng dương có chất gây teo não, mọi người ai cũng lo. Vậy mà Việt Nam vẫn chưa có cảnh báo gì đến người tiêu dùng" - chị cho biết.
 
 
Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin hạt hướng dương chứa chất teo não - Ảnh 1
 
 
Chị Trần Minh Trang (quận Thanh Xuân) còn lo cho sức khỏe của cả gia đình vì bọn trẻ rất thích ăn hạt loại hạt này. Mặc dù, loạt hạt hướng dương mà gia đình chị sử dụng đều có nhãn mác nhưng chị Trang vẫn cẩn thận: "Mình vào mạng tìm hiểu xem sử dụng loại hướng dương nào an toàn, loại nào có chất gây độc mà chưa thấy cơ quan chức năng lên tiếng nên tốt nhất là loại trừ món hướng dương".

Theo thông tin từ Trung Quốc, 7 loại hướng dương được kiểm nghiệm đều chứa chất phèn nhôm và bột talc (hóa chất dùng trong công nghiệp để chống dính khuôn).

Hai chất này hiện không có trong danh mục tiêu chuẩn quốc gia phải kiểm tra đối với các loại hạt của Trung Quốc. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, phèn nhôm gồm hai loại phèn đơn (nhôm sunfat) và phèn kép (nhôm kali, nhôm amon sunfat) hoặc dung dịch phèn nước (thông thường là dung dịch phèn nhôm sắt) được sử dụng để lắng trong nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, trong sản xuất và chế biến thực phẩm, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng 2 loại là Kali nhôm sunfat và Amoni nhôm sunfat trong danh mục phụ gia thực phẩm. Riêng bột talc (loại chỉ để dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm), theo quy định của Bộ Y tế là phụ gia thực phẩm được sử dụng trong nhiều nhóm thực phẩm như sữa bột, cream bột (nguyên chất), các sản phẩm tương tự sữa bột và cream bột, pho mát ủ chín  hoàn toàn (kể cả bề mặt)…

Đến thời điểm này, Cục ATTP vẫn chưa có khuyến cáo gì tới người tiêu dùng về việc có hay không nên sử dụng hạt hướng dương mà "phải chờ kết quả xét nghiệm". Thực tế, đối với hạt hướng dương, Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu, công bố nào về chất lượng sản phẩm.

Một chuyên gia thuộc Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải, nếu chỉ là phèn nhôm là muối sunfat sắt nhôm, hợp chất giữa nhôm, sắt và axit sunfuric, cho vào hướng dương sẽ không có tác dụng gì, vì chất này không có phản ứng chống vi sinh vật.

Nếu xét về mục tiêu bảo quản cho hạt hướng dương bóng đẹp thì có thể không đúng, vì phèn nhôm giống như bánh đường phèn trong dạng cục nên không có tác dụng đó. Vì vậy, việc cần làm là xét nghiệm xem hướng dương chứa chất gì, đánh giá những chất này tác động đến sức khỏe như thế nào.

 
"Hầu như các sản phẩm chứa độc tố gây hại cho sức khỏe con người chỉ được cơ quan chức năng y tế của Việt Nam vào cuộc sau khi có cảnh báo từ nước ngoài", một chuyên gia thực phẩm cho biết..