KTĐT - Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào phương án giá của doanh nghiệp mà thực hiện công tác hậu kiểm. Đây chính là đổi mới quan trọng, tạo cho doanh nghiệp tính chủ động.
Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng theo cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu mới, người tiêu dùng sẽ phải làm quen với việc giá cả biến động hằng ngày và tần suất các lần điều chỉnh sẽ nhiều hơn.
- Với tần suất điều chỉnh dày đặc, có thể tăng tới 3 lần trong một tháng, có khó khăn gì trong công tác quản lý?
- Đã thực hiện việc chuyển cơ chế giá theo thị trường, đòi hỏi không chỉ cơ quan quản lý mà cả xã hội cũng cần thích ứng. Lâu nay, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn theo dõi sát giá thế giới hằng ngày, thậm chí hằng giờ để tính toán được giá bán lẻ xăng dầu theo công thức đã được công bố công khai. Như vậy, với quy định tối đa 10 ngày cho các đợt tăng và tối thiểu 10 ngày cho các lần điều chỉnh giảm không có gì là khó điều hành cả.
- Hiện nay mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải trình phương án trước 3 ngày và được Liên bộ duyệt mới áp dụng giá bán mới. Với nghị đinh mới, các lần tăng hoặc giảm giá sẽ được công bố thế nào?
- Theo quy định mới, giá bán lẻ sẽ được tính dựa vào mức bình quân trong 30 ngày dự trữ lưu thông biến động cao hơn hoặc thấp hơn giá bán lẻ hiện hành. Trong khoảng 10 ngày, doanh nghiệp được quyền tự điều chỉnh giá và chỉ phải gửi quyết định điều chỉnh cho cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên đối với trường hợp giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành 7%, doanh nghiệp mới phải thực hiện việc đăng ký giá trước khi niêm yết và công bố tại hệ thống các cửa hàng đại lý. Trên cơ sở phương án đăng ký, Liên bộ sẽ tiến hành việc giám sát mức giá doanh nghiệp tính toán và quyết định việc trích quỹ bình ổn.
Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào phương án giá của doanh nghiệp mà thực hiện công tác hậu kiểm. Đây chính là đổi mới quan trọng, tạo cho doanh nghiệp tính chủ động. Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Điểm mới của nghị định này là tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tham gia kinh doanh xăng dầu, nếu đáp ứng đủ điều kiện chứ không phải chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước như trước đây.
- Quỹ bình ổn giá nằm ở đâu và do ai giám sát?
- Quỹ bình ổn giá được trích lập và đặt tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mở một tài khoản riêng và hạch toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bộ là cơ quan chủ trì, giám sát việc thực hành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn.
- Cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào với trường hợp giá thế giới liên tục giảm mà doanh nghiệp viện cớ vẫn lỗ để không điều chỉnh giá?
- Lộ trình tăng hoặc giảm giá đã được quy định rất rõ tại nghị đinh mới. Cơ quan quản lý, người tiêu dùng cứ căn cứ vào khoảng thời gian 10 ngày và biến động của giá thế giới để giám sát. Nếu giá thế giới giảm mà doanh nghiệp không điều chỉnh giá bán là vi phạm quy định. Việc xử lý vi phạm đó sẽ giống như quy định đối với các mặt hàng khác thuộc diện bình ổn giá. Cơ quan Nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá bán. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan quản lý có quyền đình chỉ giá bán mà doanh nghiệp đang áp dụng và thu khoản tiền chênh lệch về cho ngân sách Nhà nước.
Tương tự với các lần tăng giá, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ yếu tố đầu vào - giá thế giới, các khoản thuế phí, hoa hồng… để tránh hiện tượng doanh nghiệp liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá bán.