Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng 6 lần với tổng mức tăng 2.850 đồng/lít. Những ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới giảm liên tục nhưng động thái của các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn lại "án binh bất động".

Quên quyền lợi người tiêu dùng

"Hiện nay, giá được điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ - CP, rất khó cho DN tự quyết định trừ khi xăng, dầu được trả về đúng bản chất thị trường. Trong khi đó, DN xăng, dầu còn phải làm nhiệm vụ bình ổn thị trường, an ninh năng lượng...", lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối trần tình. Trong vòng 10 ngày gần đây, giá xăng A92 lãi tới hơn 650 đồng/lít và dầu diezen lãi hơn 700 đồng/lít. Tuy nhiên, theo cách giải thích của lãnh đạo DN này, biên độ tăng giảm giá xăng, dầu thế giới rất cao nhưng vì tính giá cơ sở bình quân theo chu kỳ 30 ngày nên không theo sát được với giá thị trường thế giới. 

Người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt - Ảnh 1
Mua bán xăng tại cây xăng trên đường Nguyên Hồng.Ảnh: Việt Linh
 
 
Theo phần lớn các chuyên gia về giá, cách giải thích này là thiếu trách nhiệm, chỉ "chăm chút" cho quyền lợi của mình mà quên quyền lợi của người tiêu dùng. Cuối tháng 6/2012, cơ quản quản lý giá trao lại quyền định giá cho DN đầu mối, kể từ thời điểm này, người tiêu dùng đã liên tục chứng kiến những đợt tăng giá với biên độ rất ngắn, thậm chí, một số phương án đề xuất của DN không dựa trên cơ sở tính giá bình quân 30 ngày mà tính cho thời gian ngắn hơn là 10 hoặc 20 ngày. Nay giá thế giới giảm liên tục, lần điều chỉnh giá gần đây nhất (ngày 11/11) đã quá 30 ngày nhưng các DN vẫn im hơi lặng tiếng. Theo quy định hiện hành, việc tăng, giảm giá xăng dầu trước tiên do các DN đề xuất. Tuy nhiên, các DN nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không tự "xin" giảm giá để giảm lợi nhuận. Do đó, khi các cơ quan chức năng chưa thúc ép thì giá bán lẻ xăng dầu chưa thể giảm. Tất cả thiệt thòi đổ dồn lên vai người tiêu dùng và nền kinh tế. 

Tăng nhanh, giảm chậm

Vấn đề tính giá bình quân 30 ngày đã được lãnh đạo các bộ, ngành thừa nhận lạc hậu. Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi điểm này theo hướng điều chỉnh thành 10 ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, hai cơ quan quản lý thị trường xăng dầu, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên nghị định vẫn chưa được sửa đổi. Và câu chuyện giá xăng liên tục tăng và "tăng nhanh, giảm chậm" thời gian qua khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Cũng vì cách tính giá bình quân 30 ngày nên hiện tượng đua chiết khấu xăng dầu thời điểm này lại diễn ra sôi động. Theo đó, một số DN đầu mối tranh thủ giá thế giới giảm đã nhập hàng, đồng thời tăng chiết khấu cho đại lý khiến không ít DN khác phải đua theo. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Cơ quan quản lý trả lời việc chậm sửa Nghị định 84 do phải chờ sơ kết, đánh giá... là không thuyết phục. Những điểm nào bất hợp lý, thực tế bức xúc cần phải sửa thì làm ngay".

Đã có không ít gợi ý về cách tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước được đưa ra dựa trên cơ sở giá bình quân dự trữ, lưu thông 30 ngày của mặt hàng này từ khi nhập về theo đúng theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ. Nhưng nếu cứ sau 30 ngày mới tính lại giá cả là chưa hợp lý. Với việc giá xăng dầu biến động thất thường, nếu trong vòng 2 - 3 ngày, giá thế giới tăng, giảm đáng kể thì nên tính toán lại ngay và lấy mốc ngày hôm đó để tính lùi về 30 ngày trước mới hợp lý.

Việc đưa giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, cụ thể là điều chỉnh giảm trong thời điểm hiện tại có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, các DN và người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm giáp Tết, nếu giá xăng dầu diễn biến đúng theo tình hình thế giới.
 
 

Chiều ngày 19/12, lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù giá xăng, dầu thế giới gần đây có xu hướng tích cực nhưng vẫn có lên, có xuống khó dự đoán. Các DN xăng, dầu trong nước tuy có lãi nhưng mức lãi còn thấp, nên trước mắt, Bộ cũng chưa thể yêu cầu DN giảm giá. Đây cũng là cơ hội để cho DN tranh thủ hồi phục lợi nhuận, bù cho thời gian quý II, quý III bị kiềm giá, thua lỗ. Bộ đang theo dõi thêm diễn biến giá thế giới và sẽ có hướng điều chỉnh giảm nếu xăng có lãi khoảng 300 đồng/lít.