Bà đánh giá như thế nào về những khó khăn, hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn Hà Nội thời gian qua?
- Đa số NTD trên địa bàn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi ví dụ: Mua hàng không lấy hóa đơn, không xem xét xuất xứ hàng hóa, không xem hạn sử dụng sản phẩm, chủ yếu mua hàng với giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa… Đáng nói, ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, NTD cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt, từ đó dễ bị các nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng, xâm phạm đến quyền lợi của NTD.
Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành về bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả. Cán bộ quản lý nhà nước thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi NTD kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tham mưu, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo. Tổ chức bộ máy Hội bảo vệ NTD chưa được định hướng thành lập từ T.Ư đến địa phương, nhất là chưa có ở cấp huyện, điều này đồng nghĩa với việc ở những nơi đó, NTD chưa có điều kiện tiếp cận với Hội khi cần sự giúp đỡ.
Trước những bất cập từ thực tế, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội những giải pháp nào để bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD?
- Sở đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội có những đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội như: Cần đánh giá, tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (2010), trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi các luật cho đồng bộ cần quy định thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ NTD. Chẳng hạn như, nhằm đảm bảo cho NTD khi tham gia mua nhà chung cư ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, hợp đồng đó phải được chủ đầu tư đăng ký và ký kết đúng với mẫu hợp đồng đã đăng ký mới được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD thực sự có hiệu quả, UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét hướng dẫn thành lập bộ máy chuyên trách về công tác bảo vệ quyền lợi NTD từ T.Ư đến địa phương. Song song với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Xin trân trọng cảm ơn bà!