Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt “chịu chơi” vì iPhone

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có giá bán trung bình thuộc loại rẻ trong khu vực và trên thế giới nhưng nếu so về...

Kinhtedothi - Dù có giá bán trung bình thuộc loại rẻ trong khu vực và trên thế giới nhưng nếu so về thu nhập trung bình, giá một chiếc iPhone 5S tại Việt Nam vẫn tương đương với 19,79% mức GPD bình quân trên đầu người, một tỷ lệ khá cao.

Trang công nghệ MobileUnlocked vừa thực hiện một cuộc khảo sát về giá bán của iPhone 5S trung bình chính hãng tại nhiều thị trường khác nhau và so sánh mức giá bán trung bình này với GDP(PPP) bình quân theo đầu người tại từng quốc gia đó.

Giá bán iPhone 5S của Apple có sự chênh lệch rất lớn tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau mà sản phẩm này được phân phối. Theo đó, một chiếc iPhone 5S có giá bán 199USD kèm theo hợp đồng với nhà mạng tại Mỹ, một mức giá được xem là khá “mềm”, tuy nhiên giá bán thực tế của iPhone 5S thường rất cao, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển đôi khi còn có mức giá cao hơn so với các thị trường giàu có.

 
Giá iPhone 5S trung bình tại Việt Nam chiếm mức GPD (PPP) cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ
Giá iPhone 5S trung bình tại Việt Nam chiếm mức GPD (PPP) cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ
Hiện tại giá trung bình của iPhone 5S không kèm theo hợp đồng tại Mỹ là 707USD, trong khi đó tại các thị trường thấp hơn như Việt Nam có giá trung bình đến 749,79USD  hay Philippines có giá 789.37… Đặc biệt, giá bán của iPhone 5S cao nhất tại Jordan khi một chiếc smartphone thế hệ mới của Apple có giá lên đến 1.091USD.

MobileUnlocked cũng đã tiến hành so sánh mức giá trung bình của iPhone 5S (không kèm theo hợp đồng) với GDP bình quân theo đầu người (dựa vào sức mua tương đương) và kết quả không quá ngạc nhiên khi những quốc gia nghèo có GDP thấp, thì mức giá của iPhone 5S tương đương một lượng lớn GPD tại các quốc gia này.

Chẳng hạn tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ điện thoại di động lớn nhất thế giới hiện nay, một chiếc iPhone 5S có giá 866,93USD, ước tính tương đương với 9,57% GDP (PPP). Trong khi đó tại Việt Nam, với mức giá iPhone 5S trung bình là 749,79USD, con số này chiếm đến 19,7937% GDP bình quân theo đầu người (ước tính 3.788USD). Con số này chỉ thấp hơn Ấn Độ với tỷ lệ tương ứng 22,32%.

Dù vậy trên thực tế, giá bán iPhone 5S tại Việt Nam lại không phải nằm trong top các quốc gia có giá bán cao nhất. Giá bán của chiếc smartphone này tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như Malaysia (752,39USD), Thái Lan (756,8USD), Philippines (789,37USD) hay Singapore (792,94USD)… Thậm chí, nếu tính theo giá của iPhone 5S chưa bao gồm thuế thì mức giá của sản phẩm tại Việt Nam thấp nhất khu vực (681,62USD) và chỉ cao hơn so với giá iPhone 5S tại Mỹ chưa bao gồm thuế (649USD). Điều này cho thấy mức thuế đang áp dụng cho các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam hiện đang ở mức khá cao so với các nước khác.

Mức giá trung bình của iPhone 5S đặc biệt cao tại khu vực châu Âu và Trung Đông, cao nhất tại Jordan với mức giá 1.091USD và Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá 1.063USD cho iPhone 5S phiên bản 16GB. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn hợp lý bởi mức sống tại các quốc gia nằm trong khu vực này rất cao với thu nhập bình quân trên đầu người lớn.

Những con số thống kê của MobileUnlocked giải thích cho lý do tại sao sản phẩm của Apple luôn được yêu thích trên toàn thế giới, tuy nhiên iPhone không hẳn là chiếc smartphone phổ biến nhất trên toàn cầu, một phần vì giới hạn về giá cả khiến không phải ai cũng có thể sở hữu chiếc smartphone này.

Người Việt “chịu chơi” vì iPhone

Kết quả khảo sát của MobileUnlocked cho thấy mức  giá của iPhone tại thị trường Việt Nam vẫn còn rất cao so với mức thu nhập trung bình tuy nhiên trên thực tế, iPhone nói chung vẫn đang là một trong những smartphone phổ biến nhất tại Việt Nam.

Mỗi khi một phiên bản iPhone mới được ra mắt và chưa được phân phối chính thức tại Việt Nam, sản phẩm đã nhanh chóng được các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động đưa về để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Những phiên bản iPhone mới xuất hiện luôn là sản phẩm “gây sốt” và mức giá được đội lên rất nhiều so với mức giá thực tế nhưng vẫn có rất nhiều người mua và thậm chí cháy hàng. Đơn cử như trường hợp iPhone 5S phiên bản màu vàng gần đây khi mới xuất hiện tại Việt Nam đã có chiếc được bán ra với hơn 50 triệu đồng.

Ngay cả khi sản phẩm được phân phối chính hãng từ các nhà mạng thì bản thân các nhà phân phối cũng cảm thấy lo lắng vì sản phẩm nhập về có thể không đáp ứng được nhu cầu từ phía khách hàng, như lo ngại của các nhà mạng trong dịp bán ra iPhone 5S hồi giữa tháng 11 vừa qua.

Trên thực tế có không ít smartphone cao cấp với cấu hình mạnh đến từ các hãng sản xuất khác có mức giá tương đương hoặc thấp hơn iPhone, tuy nhiên không ít người dùng tại Việt Nam vẫn lựa chọn iPhone, một phần vì thương hiệu của Apple, một phần vì sự đơn giản khi sử dụng chiếc smartphone của “quả táo”. Bên cạnh đó, không ít bộ phận người dùng trong nước vẫn sử dụng iPhone như một “vật trang sức” để khẳng định được đẳng cấp của mình, những điều này càng khiến cho chiếc smartphone của Apple luôn trở thành “hàng hot” tại Việt Nam, dù mức giá của sản phẩm luôn ở mức cao, ngay cả với những phiên bản cũ đã ra đời từ lâu.

 
Sức mua tương đương (PPP - Purchasing Power Parity) là một kiểu tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Các nhà kinh tế học tính xem cùng một lượng hàng của cùng một thứ hàng hóa khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh lượng hai đơn vị tiền tệ.

Khi so sánh tổng sản phẩm quốc nội của các nước, các cơ quan thống kê hay quy đổi tổng sản phẩm các nước theo cùng một đơn vị tiền tệ (thường là dollar Mỹ). Và khi dùng hai loại tỷ giá hối đoái và tỷ giá hối đoái theo sức mua tương đương sẽ cho hai con số GDP khác nhau.