Miễn là dùng tạm được thì sản phẩm đó đã có thể có chỗ đứng trong giỏ mua hàng của nhiều người. Tuy nhiên, tâm lý NTD hiện nay đã có nhiều thay đổi. Họ đã sẵn sàng mua giá đắt hơn nhưng có thể tin tưởng vào xuất xứ, nguồn gốc, ATTP. Chọn sản phẩm chất lượng Đó là tâm lý của nhiều khách hàng hiện nay mà những DN trong nước, nhất là những DN tham gia chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các chương trình khuyến mại, bình ổn giá… cần lưu ý. Cụ thể, theo khảo sát, tại nhiều siêu thị, chợ, tạp hóa nếu như trước đây có một thời gian dài hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã lòe loẹt… chiếm ưu thế, thì nay những mặt hàng này đang bị NTD tẩy chay. Thay vào đó, các mặt hàng từ Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu, hàng Việt Nam chất lượng cao… đang dần trở nên phổ biến với mức phủ sóng ngày càng lan rộng trên thị trường.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Nielsen (tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam), bên cạnh yếu tố giá cả, yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của NTD hiện nay còn là sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa hàng (51%) và việc sắp xếp/phân loại hàng hóa hợp lý (51%)… “Mặc dù hoạt động khuyến mại sôi nổi được tạo ra bởi cả nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất đã tạo ra sự kỳ vọng của NTD rằng giá thấp là một yếu tố tiêu chuẩn trên thị trường, và khi NTD đang điều chỉnh lại chi tiêu của họ thì sự thật là họ quan tâm đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ” - Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ bán lẻ Nielsen Việt Nam Roberto Butragueno nhận định. Công bố của Nielsen cũng cho biết, NTD sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nếu họ tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần. Giá cả và giá trị không bao giờ là một Với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình ngày càng nhỏ dần, người Việt Nam mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm. Cuộc khảo sát của Nielsen cũng cho thấy, gần 6/10 người mua hàng Việt Nam cho rằng, quyết định lựa chọn cửa hàng của họ bị ảnh hưởng bởi vị trí thuận lợi của cửa hàng đó. 5/10 NTD cho biết, việc dễ dàng lựa chọn và mua sắm sản phẩm trong một cửa hàng được thiết kế và trưng bày hàng hóa hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nơi mua sắm của họ. Chính vì thế, một trong những cách hiệu quả nhất có thể giúp nhà bán lẻ tránh được cuộc chiến về giá và chiến lược khuyến mại không bền vững đó là tăng nhận thức về những lợi ích mà họ cung cấp (giá trị của sản phẩm) cho NTD thay vì mỗi việc giảm giá. NTD giờ đây đã biết sử dụng quyền lực của mình nhằm thúc đẩy DN cho ra những sản phẩm chất lượng hơn. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với nhiều DN trong nước. Nếu không nỗ lực đổi mới sản phẩm và dịch vụ cũng như cải thiện chất lượng và giá thành sản phẩm thì sẽ rất khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Sắp tới, hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước sẽ được miễn thuế (thuế bằng 0%) khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó để có được lợi nhuận, DN trong nước buộc phải tăng cường cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ của mình nhằm cạnh tranh được với sản phẩm ngoại.
Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm lốp Sao Vàng. Ảnh: Thanh Hải |