Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ gia tăng bất ổn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ba năm sau khi các nhà làm luật tại các thị trường mới nổi cảnh báo về sự bất ổn do gói kích thích kinh tế kỷ lục của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), thị trường tài chính toàn cầu lại một lần nữa rơi vào vào tình trạng hỗn loạn khi FED đưa ra thông điệp chuẩn bị ngừng nới lỏng tiền tệ.

Từ tuần trước, các nền kinh tế mới nổi từ Brazil, Ấn Độ đến Hàn Quốc đã nhanh chóng đưa ra hành động nhằm ngăn tình trạng bốc hơi nguồn vốn. Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Palaniapan Chidambaram hôm 12/6 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các quan chức kinh tế cấp cao để bàn các biện pháp chặn đà mất giá đồng nội tệ  khi đồng Rupee đã mất giá thảm hại từ đầu năm đến nay.
 
Nguy cơ gia tăng bất ổn - Ảnh 1
 
Theo thống kê, từ hôm 1/1/2013, đồng Rupee đã trượt giá 5,5% so với đồng USD và xuống mức thấp kỷ lục, xấp xỉ 59 Rupee/USD. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối để chặn đà mất giá của đồng nội tệ nhưng chưa mang lại hiệu quả. Trong phiên giao dịch sáng 13/6, đồng Rupee vẫn ở mức 58,40 Rupee/1 USD và khiến thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai của Ấn Độ tiếp tục tăng lên, ước tính khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa 2012 - 2013. Hậu quả tất yếu là nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường Ấn Độ đã giảm đi và chính sách thu hút vốn FDI của Chính phủ được triển khai từ tháng 9/2012 chưa thể phát huy hiệu quả. Các nhà quan sát dự đoán, trong thời gian tới, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh sẽ đưa ra nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay hơn nữa nhằm ngăn chặn tình trạng đồng Rupee mất giá. Nếu không, nền kinh tế mới nổi này sẽ lâm vào tình trạng thiếu vốn đầu tư, suy giảm tăng trưởng và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2014.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan hôm 13/6 thì cho rằng, nước này nên sử dụng dự trữ ngoại hối để ngăn chặn tác động đối với đồng nội tệ và khẳng định sẽ tiếp tục động thái bán USD suốt tuần qua. Ngân hàng T.Ư Sri Lanka cũng tuyên bố sẽ nới lỏng quy định về giao dịch ngoại hối. Trong khi đó, Bộ Tài chính Brazil hôm 12/6 cho biết, sẽ nới lỏng kiểm soát dòng vốn mà họ áp đặt từ năm 2010 khi FED đưa ra gói nới lỏng định lượng lần 2 (QE2). Các biện pháp này gồm bỏ thuế đánh vào giao dịch tiền tệ phái sinh và loại bỏ thuế suất 6% đánh vào các khoản đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Brazil.

Động thái can thiệp của ngân hàng T.Ư các nước mới nổi thời gian qua đã làm gia tăng căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu và tạo ra nguy cơ gia tăng bất ổn của kinh tế thế giới. Kể từ ngày 22/5 khi Chủ tịch FED tuyên bố có thể giảm nới lỏng tiền tệ vào cuối năm, đến nay, vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đã bốc hơi khoảng 2,5 ngàn tỷ USD.