Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ hạn hán tại miền Bắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Miền Bắc đang đối mặt với khô hạn do tác động trực tiếp của hiện tượng El Nino. Trong khi các hồ chứa, hồ thuỷ điện đang cạn kiệt nước thì phương án cấp bách chuyển đổi một phần cơ cấu diện tích trồng lúa sang trồng cây vụ đông ngắn ngày,

KTĐT - Miền Bắc đang đối mặt với khô hạn do tác động trực tiếp của hiện tượng El Nino. Trong khi các hồ chứa, hồ thuỷ điện đang cạn kiệt nước thì phương án cấp bách chuyển đổi một phần cơ cấu diện tích trồng lúa sang trồng cây vụ đông ngắn ngày, xem ra không được các địa phương hưởng ứng, thậm chí khá "bình chân như vại".

Khó thay đổi tập quán

Sáng qua (8.12), Bộ NNPTNT đã có cuộc họp bàn khẩn cấp với Tập đoàn Điện lực (EVN) cùng một số Cty về cấp thoát nước cho toàn vụ đông -xuân miền Bắc. Tình hình cho thấy miền Bắc đang đứng trước nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vụ chủ lực đông - xuân. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thủy lợi, lượng mưa tại khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang đạt thấp kỷ lục. Tổng lượng mưa 11 tháng năm 2009 tại 64 trạm đo thuộc Bắc Bộ bình quân chỉ đạt 86% lượng mưa cùng kỳ hàng năm.

Ông Bùi Minh Tăng - GĐ TT Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư (NCHMF) dự báo: "Mực nước tháng 9 thấp kỷ lục trong gần chục năm nay. Tháng 11 lượng dòng chảy sông Hồng xấp xỉ 1,4m - thấp nhất trong vòng hơn 100 năm qua. Mưa ít, nắng nhiều nên bốc hơi càng lớn, tình hình khô hạn càng diễn biến phức tạp".

Từ đầu tháng 10, Cục Thủy lợi đã trực tiếp đề nghị các địa phương chuyển đổi một phần cây lúa sang cây vụ đông nhằm tiết kiệm tối đa nước. Diện tích tưới vụ đông - xuân dự kiến khoảng hơn 627 nghìn hécta, trong đó diện tích dự kiến thiếu nước là gần 80 nghìn hécta, diện tích dự kiến chuyển đổi khoảng gần 6 nghìn hécta.

Tuy nhiên theo Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, các địa phương vẫn "bình chân như vại", việc chuyển đổi hầu như chưa hề động tĩnh do lúa hiện đang bán được giá. Tại Ba Vì, yêu cầu diện tích phải chuyển đổi là 30 - 50% hécta song người dân vẫn chưa suy chuyển. Vĩnh Phúc có khoảng 3.800 hécta vụ xuân có nguy cơ thiếu nước, đặc biệt là ở các vùng giữa.

Ông Nguyễn Gia Thành - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: "Vụ đông sẽ thiếu khoảng 20 triệu mét khối nước. Tập quán trồng lúa của người dân bao đời nay khó thay đổi, bà con hiện đã tự túc mạ giống cây trồng đầy đủ nên việc bắt buộc chuyển đổi là khó khả thi".

EVN vào cuộc

Theo EVN, mực nước tại các hồ chứa lớn trung du và đồng bằng phía bắc đang thấp báo động. Mực nước tại hồ Hoà Bình vào 7 giờ sáng qua là 116m - hụt đến 178 triệu mét khối nước so với thiết kế. Hồ Tuyên Quang chỉ đạt 112,4m, lưu lượng nước 57m3/s, hồ Thác Bà 51,4m, lưu lượng nước về 30m3/s. Đến thời điểm này, tổng lượng nước thiếu hụt tại các hồ hiện lên tới 2,6 tỉ mét khối,đây là sức ép không nhỏ đối với việc điều tiết hồ chứa, chưa kể việc cân đối nguồn nước phục vụ thuỷ điện.

Phía đại diện EVN kiến nghị các địa phương cần khẩn trương hoạt động các trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước vào kênh. Hiện đã có khoảng 17 trạm bơm liên tục hoạt động tích nước vào kênh trước thời điểm đổ ải. Đặc biệt, phía EVN đề xuất chỉ nên đổ ải 2 lần và mức nước tối đa chỉ có thể là 2,2m (năm ngoái lượng nước tối thiểu là 2,5m), nếu mức nước lên đến 2,5 thì các hồ chứa khó đảm bảo lưu lượng.

NCHMF cảnh báo, từ đây đến tháng 2 miền Bắc mưa không đáng kể, nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước xả từ hồ chứa. Chính vì vậy việc điều tiết mực nước hồ chứa là rất cấp thiết. Theo đó, Cục Thuỷ lợi đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để có nhiều nước chảy về hạ du, đảm bảo chia thành 3 đợt (từ 26.12 - 20.2).

Tuy nhiên, để linh hoạt trong việc đảm bảo tiến độ vụ đông - xuân, một số địa phương đã tiến hành cho bà con vừa trực tiếp bơm nước vào từ các sông, vừa đào giếng chống hạn. Sở NNPTNT đề nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 9 tỉ đồng để đào giếng chống hạn, nạo vét cửa khẩu và đầu tư bơm điện năng dã chiến để kịp thời ứng phó với hạn hán trong thời gian tới.