Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ hàng triệu nam giới "ế vợ"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang chênh lệch trầm trọng, trung bình 111 trẻ trai/100 trẻ gái. Một số địa phương, tỉ lệ này là 130,7/100.

 Trong tương lai không xa, khi hàng triệu nam giới không lấy được vợ sẽ dẫn đến loạn "thị trường hôn nhân".
 

Khi nam giới "ế vợ"

Với sự mất cân bằng nghiêm trọng như hiện nay, các chuyên gia dự đoán sẽ diễn ra hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất: "Không can thiệp", tỉ số giới tính khi sinh toàn quốc sẽ lên đến 115/100 vào năm 2015 và chắc chắn không dừng lại ở đó. Tỉ số giới tính với nhóm dân số ở độ tuổi trưởng thành (15 - 49 tuổi) sẽ ở mức 113/100 vào năm 2049, dẫn tới dư thừa 12% nam giới trong giai đoạn 2009 - 2049. Kịch bản thứ hai, giả định có các chương trình, chính sách can thiệp mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân bằng, thì tỉ số giới tính khi sinh sẽ tăng chậm hơn và ở mức 115 vào năm 2020, sau đó quay dần lại mức cân bằng sinh học là 105 vào năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS -KHHGĐ cảnh báo, hiện nước ta đang thiếu khoảng 139.000 phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành. Con số thiếu hụt này sẽ còn tiếp tục lớn hơn nếu không có các biện pháp can thiệp. Cũng giống như bài toán kinh tế, khi "thị trường hôn nhân" cung không đủ cầu sẽ dẫn đến nhiều biến thái. Trước tiên sẽ là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng bạo lực giới và mại dâm, buôn bán phụ nữ. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và không có khả năng kết hôn. Đó là chưa kể đến các biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và đặc biệt là nguy cơ "nhập khẩu" cô dâu…. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp "nhập khẩu cô dâu" sẽ không đạt hiệu quả bởi nhiều nước cũng đang trong tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng như Việt Nam.

Băn khoăn tìm lời giải

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội Việt Nam (ISDS) cho rằng, hầu hết các gia đình chưa nhận thức được hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi, họ không lường đến chuyện sau này sẽ thiếu phụ nữ kết hôn hoặc gia tăng nạn ma túy, mại dâm, buôn bán tình dục, phụ nữ… vì thiếu con gái. Đó là hệ quả tất yếu của lối suy nghĩ "trọng nam, khinh nữ". Vì thế, để can thiệp thay đổi tâm lý ưa thích con trai bằng cách giảm bớt sự cứng nhắc của gia đình phụ hệ thông qua việc khuyến khích con gái cũng có thể nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên; hay con mang họ mẹ và thừa kế bình đẳng như nam giới; cha mẹ già có thể sống với con gái. Ngoài ra, cần cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi vì ai cũng lo lắng tuổi già nếu không có con trai.

Ngoài ra, vấn đề xử lý nghiêm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức được nhiều người quan tâm. Theo ông Tân, nhiều trường hợp lách luật để lựa chọn giới tính thai nhi và phá thai khi xác định thai nhi là nữ. Chính vì thế, Tổng cục DS-KHHGĐ đang soạn thảo để sửa đổi chế tài xử phạt nặng hơn với những vi phạm này. Ông Tân dẫn chứng: "Hàn Quốc là một trong số ít nước thành công trong việc giảm tỉ lệ giới tính khi sinh và để có được thành công này là do chế tài của họ rất nghiêm khắc. Năm 1996 sau khi Seoul có 8 bác sĩ bị kỷ luật vì tiết lộ giới tính cho thai phụ trước sinh thì ngay năm sau, tình trạng chênh lệch giới tính của Hàn Quốc đã giảm rõ rệt từ 117 bé trai/100 bé gái giảm xuống chỉ còn 113 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, luật nghiêm rõ ràng đã có tác động".

Hiện Tổng cục DS - KHHGĐ cũng đang xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 -2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để đề án này thành công, rất cần có sự hợp tác từ mỗi người dân, mà trước tiên là bỏ được quan niệm "trọng nam khinh nữ".