Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ khủng hoảng chính trị mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai tháng sau cuộc tổng tuyển cử, việc Quốc hội Italia cùng 58 đại diện khu vực hôm 18/4 tiến hành bỏ phiếu bầu Tổng thống mới, thay ông Giorgio Napolitano sắp mãn nhiệm, được xem là cơ hội để giải quyết tình trạng Chính phủ "treo" kéo dài suốt thời gian qua.

Theo quy định, mỗi ngày các nghị sỹ Quốc hội Italia và các đại diện khu vực sẽ thực hiện hai vòng bỏ phiếu. Ứng cử viên đắc cử Tổng thống phải giành đủ 2/3 phiếu bầu (tương đương 672/1.007 phiếu bầu) trong ba vòng đầu tiên. Nếu không có kết quả ngã ngũ trong các vòng đầu, ngưỡng tối thiểu để chiến thắng sẽ giảm xuống thành đa số quá bán trong các vòng tiếp theo.

Quy định bầu cử khá rắc rối này khiến quá trình tìm kiếm người kế vị ông Napolitano có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần, thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới khi chính trường Italia đang nổi sóng trước việc ông Franco Marini được chọn là ứng viên Tổng thống.
 
 
Nguy cơ khủng hoảng chính trị mới - Ảnh 1
 
Tổng thống Giorgio Napolitano. (Nguồn: AFP)

Sau nhiều giờ nhóm họp, liên minh trung tả do ông Luigi Bersani đứng đầu, liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và một nhóm nhỏ theo đường lối trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti đã quyết định chọn ông Marini làm ứng viên Tổng thống.

Tuy nhiên, việc chọn cựu Chủ tịch Thượng viện ít được công chúng ủng hộ, thậm chí từng mất ghế trong Quốc hội hồi năm ngoái đang thổi bùng cơn giận dữ trong nội bộ đảng Dân chủ của ông Bersani.

Nhiều thành viên đảng này nghi ngờ hai ông Bersani -Berlusconi đã tiến hành cuộc "mặc cả"  nhằm phân chia quyền lực trong thời gian tới. Thị trưởng thành phố Florence, ông Matteo Renzi mô tả, Marini là "ứng viên từ thế kỷ trước", vừa không có uy tín ở trong nước và cũng chẳng có vị thế trên trường quốc tế.

Hiện, có thông tin cho biết, chỉ có khoảng 50 người ủng hộ ông Marini, trong khi hàng chục người khác thuộc liên minh trung tả sẽ không bỏ phiếu cho ông này.

Trong khi đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra khi nhiều thành viên trong liên minh cánh tả do đảng Năm Sao đứng đầu tuyên bố sẽ không ủng hộ ứng viên Stefano Rodota.

Vì thế, không ngạc nhiên, khi tối 18/4 (theo giờ Việt Nam) đã có thông báo chính thức về việc bầu cử Tổng thống Italia phải diễn ra vòng hai. Tại Italia, Tổng thống chỉ có vai trò thực hiện các nghi lễ quốc gia, nhưng cũng có một số quyền lực chính trị  đặc biệt như Tổng thống Napolitano chỉ định ông Monti làm Thủ tướng tạm quyền thay ông Berlusconi.

 Vì thế, các nhà phân tích kỳ vọng, Tổng thống mới có thể khai thông bế tắc chính trị kéo dài suốt 50 ngày qua bằng cách thuyết phục các bên liên quan đi đến thỏa thuận thành lập Chính phủ hoặc giải tán Quốc hội để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới.

Tuy nhiên, các cuộc tranh cãi trong nội bộ các đảng cho thấy, nhiều khả năng việc thành lập một Chính phủ mới vào trung tuần tháng 7 tới theo mong mỏi của người dân nước này khó trở thành hiện thực.