Ngày 10/11, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo nguy cơ các loài sinh vật lạ xâm lấn và phá hoại các khu rừng trên toàn cầu. Nguy cơ này ngày càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển của thương mại quốc tế. Eduardo Rojas-Briales, Trợ lý Tổng Giám đốc FAO về rừng nhấn mạnh, các sinh vật lạ đã được đưa từ nước này sang nước khác thông qua việc buôn bán quốc tế các sản phẩm gỗ, hạt giống, cây giống và các sản phẩm khác được đóng gói bằng sản phẩm gỗ. Từ năm 1992-2008, khối lượng các sản phẩm gỗ được giao dịch đã tăng 125%. Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng phát triển và tồn tại của các loài sinh vật phá hoại ở những nước chúng mới được đưa đến thông qua buôn bán quốc tế, trong khi các khu rừng trước đây không có các sinh vật gây hại trở nên dễ bị các sinh vật lạ này tấn công tàn phá. Tại khu vực British Columbia của Canada, trong những năm đầu thập kỷ 1990, bọ cánh cứng đã tàn phá ít nhất 17,5 triệu hécta rừng thông và phá huỷ 727 m3 gỗ. Ít nhất 35 triệu hécta rừng trên thế giới bị các sinh vật lạ tàn phá mỗi năm. Để đối phó với mối đe dọa mới này, tại cơ sở các nghiên cứu của 100 nhà khoa học và các chuyên gia vệ sinh rừng từ 46 nước, FAO đã giới thiệu "Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh rừng" nhằm giúp các nước ngăn chặn sự lan tràn của các sinh vật lạ tàn phá rừng sang các khu vực mới cũng như thực hiện các chiến lược quản lý sinh vật lạ một cách hiệu quả trong mọi công đoạn của phát triển và bảo vệ rừng từ giám sát, quản lý rừng đến hoạt động gây giống, xử lý hạt giống, khai thác và vận chuyển gỗ và lâm sản xuyên quốc gia.