Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ mất nhà vì Uber

Bài, ảnh: Đông Phong
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Với những lời mời chào hấp dẫn, nhiều người đang đầu tư phương tiện để trở thành lái xe dựa trên nền tảng hợp tác cùng Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber).

Tuy nhiên, khi chưa vừa ý, Uber sẵn sàng đơn phương rũ bỏ, không quan tâm đến thiệt hại kinh tế của “người bạn” đang hợp tác...

Đột ngột dừng hợp tác

Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của anh Nguyễn Việt Thành (SN 1979, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa) về việc Văn phòng Uber tại Hà Nội không xác minh rõ ràng, đơn phương khóa tài khoản đôi bên đang hợp tác, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nội dung đơn cho biết, anh Thành có đăng ký và thỏa thuận hợp tác vận chuyển hành khách bằng ô tô, thông qua phần mềm điều hành của Uber. Anh Thành đã chở khách theo hướng dẫn phần mềm và tính tiền theo đúng đơn giá Uber quy định. Ngày 3/12/2016, anh Thành nhận được thông tin việc đón khách từ Royal city Nguyễn Trãi đi huyện Kim Sơn, Ninh Bình, trả tiền bằng phương thức qua thẻ Visa (khách hàng đã đăng ký trả qua thẻ Visa, được Uber chấp thuận hợp lệ).

Anh Thành và chiếc xe đã từng hợp tác cùng Uber.

Anh Thành đồng ý và đã chở khách đến địa chỉ theo đúng thỏa thuận. Sau đó, mã tài khoản phần mềm Uber của anh Thành đột ngột bị khóa và Gmail cá nhân nhận được thông báo: “Uber nhận được yêu cầu của bạn về tài khoản Vinh Thành Nguyễn bị khóa do ghi nhận bạn đã có số chuyến đi cao bất thường... Uber kết luận tài khoản Nguyễn Vĩnh Thành có dấu hiệu gian lận thẻ thanh toán... Đồng thời, chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên”. Khẳng định mình không gian lận và cho rằng có nhầm lẫn, anh Thành nhiều lần liên hệ tổng đài hỗ trợ Uber yêu cầu được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, anh chỉ nhận được câu trả lời: Việc mở, khóa tài khoản đều do bên nước ngoài quản lý, nhân viên tổng đài chỉ có trách nhiệm hỗ trợ lái xe còn không có người đại diện đứng ra giải quyết các vấn đề phát sinh (!).

Nguy cơ mất nhà vì đầu tư!

Gặp gỡ, cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi, anh Thành chia sẻ, anh đã thế chấp căn nhà của mình để vay một khoản tiền lớn, mua xe ô tô trị giá gần 1 tỷ đồng. Kèm theo đó, phải tuân theo những yêu cầu khắt khe do Uber yêu cầu. Tuy nhiên, khi vừa phát sinh vướng mắc, Uber lập tức đơn phương rũ bỏ đối tác không thương tiếc. Hiện tại, gần 2 triệu đồng cước và phụ phí chuyến chở khách đi Ninh Bình, anh Thành không được Uber thanh toán. Hơn thế, 4 tháng nay không việc làm nên anh đang khốn khó xoay sở hàng chục triệu đồng trả ngân hàng do quyết định cầm cố nhà, mua ô tô để hợp tác “bền vững” với Uber.

Phóng viên đã tìm đến Văn phòng Uber tại Hà Nội (tầng 8 tòa nhà Pacific, 83B Lý Thường Kiệt) nhằm làm rõ thông tin phản ánh. Sau khi ghi lại toàn bộ thông tin sự việc, bà Đặng Cẩm Vân - cán bộ quản lý văn phòng hứa phía Uber Hà Nội sẽ nhanh chóng xác minh, đồng thời trả lời phóng viên trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, sau gần một tháng, Uber vẫn không có câu trả lời nào. Phía anh Thành cho biết, Uber cũng không hề có động thái liên hệ, kiểm tra thông tin.

Về trách nhiệm của Uber khi phát sinh khiếu nại với đối tác kinh doanh, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết: Uber là công ty cung cấp phần mềm ứng dụng, không phải DN kinh doanh vận tải. Vừa qua, Uber có đề xuất và Bộ GTVT chưa thông qua phương án thí điểm hoạt động. Một trong những nội dung quan trọng mà Uber còn thiếu đó là chưa có quy định rõ quyền và trách nhiệm của DN cung cấp dịch vụ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại... Nói một cách khác, Bộ GTVT chưa thông qua việc Uber được hoạt động, đồng nghĩa với việc chưa có quy định, hành lang pháp lý nào bảo vệ quyền lợi các lái xe là đối tác của Uber.

Luật sư Vi Văn A - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, những lái xe tham gia hợp tác với Uber buộc phải đồng ý các điều khoản với nhà cung cấp trong quá trình cài đặt phần mềm tham gia. Tuy nhiên, do Uber tại Việt Nam chỉ là đơn vị được Công ty Uber BV Hà Lan ủy quyền nên các điều khoản nói trên lại dựa theo luật pháp của Hà Lan. Trường hợp xảy ra tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ là tòa án tại Hà Lan. Do vậy, trước khi quyết định hợp tác, các lái xe cần cân nhắc kỹ, không nên vội vàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ vì những lời quảng bá để chuốc lấy rủi ro.