Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ tái diễn vi phạm xe quá tải

Chia sẻ Zalo

Mặc dù mới triển khai được hơn 10 ngày, tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, cộng với việc lực lượng liên ngành vào cuộc quyết liệt, nên vi phạm đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nguy cơ tái diễn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lực lượng chức năng lơ là nhiệm vụ.

Từ ngày 1/4, cùng với các địa phương trên cả nước, TP Hà Nội đã tổ chức ra quân kiểm tra trọng tải xe trên các tuyến quốc lộ. Mặc dù mới triển khai được hơn 10 ngày, tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, cộng với việc lực lượng liên ngành vào cuộc quyết liệt, nên vi phạm đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nguy cơ tái diễn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lực lượng chức năng lơ là nhiệm vụ.

Hầu hết xe chở đúng tải trọng

Ngày 12/4, có mặt tại QL1, đoạn qua xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) khu vực đặt trạm cân xe, theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng xe tải dừng để kiểm tra lỗi chở hàng quá trọng tải đã giảm rất nhiều so với những ngày trước. Không chỉ giảm về số lượng, mức độ vi phạm của các lái xe cũng giảm đáng kể.

Phương tiện vi phạm tổ chức hạ tải tại chỗ. 	Ảnh: Bảo Nhi
Phương tiện vi phạm tổ chức hạ tải tại chỗ. Ảnh: Bảo Nhi

Trong thời gian có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận được 8 trường hợp xe tải nghi vi phạm bị lực lượng liên ngành xử lý. Trong đó, 7 trường hợp là xe tải loại 2,5 tấn, 1 xe sơmi romooc. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết các xe đều đã chở hàng hóa theo đúng trọng tải cho phép. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Lê Minh Tuấn - Tổ trưởng tổ công tác liên ngành số 2 cho biết, so với những ngày đầu ra quân, số xe vi phạm đã giảm nhiều. Hầu hết các xe khi kiểm tra tại trạm đều chở đúng tải trọng, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chở quá tải dưới 5%. Đối với những trường hợp này, lực lượng liên ngành sẽ nhắc nhở, yêu cầu lái xe hạ tải, ký cam kết không tái phạm rồi tiếp tục cho lưu thông.

Đến thời điểm này, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết các lái xe khi bị kiểm tra, xử lý đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định. Tuy nhiên, theo Trung úy Lê Minh Tuấn, việc các xe vi phạm giảm ngoài lý do lái xe đã hiểu và chấp hành quy định chở đúng trọng tải thì còn một nguyên nhân khác: Có thể rất nhiều lái xe đang nghe ngóng và tìm hiểu quy luật hoạt động của các trạm cân, từ đó tìm kẽ hở để hoạt động. Để ngăn chặn tình trạng trên, các tổ công tác đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra liên tục, không để việc lái xe tranh thủ thời gian chuyển ca, trời mưa (trạm cân không thể vận hành - PV) để hoạt động.

Trước việc vi phạm giảm bất ngờ, nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng các phương tiện đã di chuyển theo những tuyến đường khác để né trạm cân? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Vinh - Đội trưởng Đội Thanh tra Cầu đường bộ (Sở GTVT) cho biết, khu vực đặt trạm cân là tuyến đường độc đạo cho phép xe tải chạy vào cửa ngõ phía Nam TP. Nếu các xe muốn né trạm thì phải di chuyển sang các tuyến đường ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên, đây là việc khó xảy ra bởi khoảng cách xa, lực lượng Công an, Thanh tra GTVT các huyện cũng kiểm tra trọng tải rất quyết liệt.
Đối với những trường hợp lái xe "quên" không mang theo đăng ký, đăng kiểm gây khó dễ cho việc cân xe. Chúng tôi sẽ tạm giữ phương tiện, khi đủ giấy tờ mới tiến hành cân xe. Nếu phát hiện có vi phạm, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định.

Trung úy Lê Minh TuấnTổ trưởng tổ công tác liên ngành số 2
Thiết lập lại thị trường vận tải

Có thể thấy, từ khi 63 tỉnh, thành đồng loạt tổ chức ra quân kiểm tra trọng tải xe, tình trạng xe chở quá tải đã giảm đáng kể. Thế nhưng, sau khi chiến dịch thu được những kết quả bước đầu, đã có một số doanh nghiệp vận tải phản ứng về việc siết chặt kiểm soát tải trọng xe. Một số doanh nghiệp cho rằng, việc kiểm soát trọng tải xe đã khiến giá vận tải tăng cao, nhiều lái xe dừng chạy, để đối phó với chiến dịch, dẫn đến hàng hóa bị tồn đọng. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho rằng, Bộ GTVT nên thông báo trước với các doanh nghiệp ít nhất 3 tháng để họ chuẩn bị... Bên cạnh đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, trong quá trình kiểm tra đã xuất hiện tình trạng một số lái xe "quên" mang theo đăng ký, đăng kiểm; hạ tải trước đi qua vị trí đặt trạm cân, sau khi qua trạm lại tiếp tục chở quá tải… khiến việc kiểm tra trọng tải gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc các trạm cân không thể vận hành khi trời mưa, trong khi miền Bắc đã bước vào mùa mưa nên nguy cơ tái diễn vi phạm hoàn toàn có thể xảy ra.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Hiệp hội ủng hộ việc kiểm tra trọng tải xe ô tô trên các tuyến quốc lộ. Liên quan đến việc hàng hóa bị tồn đọng, giá cước vận tải tăng khi chiến dịch kiểm soát trọng tải xe làm mạnh, ông Thanh cho rằng, đây là cơ hội thiết lập lại trật tự thị trường vận tải, tránh việc doanh nghiệp tăng tải trọng quá mức để giảm giá cước, cạnh tranh thiếu lành mạnh.Đồng quan điểm, các chuyên gia quản lý giao thông, đô thị cũng như nhiều người dân cho rằng, việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe chở quả tải là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trong khi các lái xe, doanh nghiệp vẫn chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng, mà quên đi những ảnh hưởng đến sự bền vững của hạ tầng giao thông, tính mạng của người dân thì nguy cơ tái vi phạm sẽ tiếp tục tái diễn. Do đó, nếu các lực lượng chức năng không thực sự kiên quyết xử lý vi phạm, tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 
Từ ngày 1/4 đến nay, TP Hà Nội đã xử lý gần 90 xe quá tải. Tất cả các vi phạm đều bị xử phạt và yêu cầu hạ tải tại chỗ rồi mới được phép tiếp tục lưu thông. Ngoài ra, nếu phát hiện xe cơi nới thùng, thành để chở quá tải, lực lượng liên ngành sẽ giữ giấy tờ và yêu cầu lái xe, chủ phương tiện phải đi khắc phục lỗi cơi nới thành, thùng sau đó mới xử phạt. Hiện, Công an TP đã giao Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra đột xuất các cơ sở đóng thùng, hoán cải thùng phương tiện, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.